Nhiều mô hình sinh kế từ dự án BCC hỗ trợ cho bà con xã Hồng Trung phát huy hiệu quả kinh tế

Sống ở xã biên giới Hồng Trung, việc mưu sinh của gia đình ông Nguyễn Thành Tâm trước đây luôn phụ thuộc vào rừng. Từ khi được hoạt động cải thiện sinh kế của dự án BCC hỗ trợ bò giống, kinh phí làm chuồng và trồng cỏ phát triển chăn nuôi, lại  được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh trên đàn bò, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định.

Ông Tâm chia sẻ: "Từ một cặp bò giống hỗ trợ nay đã sinh sản lên 5 con, thức ăn có sẵn tại chỗ nên chăn nuôi rất thuận lợi, đàn bò phát triển tốt. Cuộc sống cải thiện hơn nên gia đình tôi không còn phải vào rừng chặt cây, kiếm củi nữa".

Tại các thôn, bản, 11 nhóm bảo vệ rừng, phát triển cây lâm nghiệp được thành lập giúp bà con có thêm thu nhập ổn định. Dự án BCC A Lưới đã chọn mô hình thí điểm phát triển kinh doanh lâm sản ngoài gỗ cho bà con như trồng mây, lồ ô… dưới tán rừng cộng đồng, với diện tích 1.100ha. Mô hình này đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại địa phương, cũng như chính sách khuyến khích trồng lâm sản ngoài gỗ của tỉnh và huyện A Lưới.

Chủ tịch UBND xã Hồng Trung, ông Lê Văn Thanh phấn khởi: “Từ hoạt động hỗ trợ sinh kế của dự án BCC, trên địa bàn xã đã có thêm 3 mô hình kinh tế kết hợp trồng trọt và chăn nuôi có tiềm năng phát triển theo hướng gia trại. Dự án còn hỗ trợ cây giống và ngày công trồng, chăm sóc cho bà con tham gia hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trồng rừng bổ sung, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân và bảo vệ hiệu quả tài nguyên rừng trên địa bàn”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường, việc lồng ghép triển khai các dự án nhằm hỗ trợ các mô hình sinh kế từ chăn nuôi đến lâm nghiệp phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất cho bà con, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần giảm nghèo hiệu quả ở các địa phương.

Với hơn 90% dân số chủ yếu sống bằng nông, lâm nghiệp, A Lưới xác định kinh tế rừng là một trong các lĩnh vực chính, chủ đạo phát triển kinh tế toàn huyện, tăng thu nhập cho người dân.

Toàn huyện A Lưới có trên 84,5 ngàn ha rừng tự nhiên, trong đó có hơn 29 ngàn ha rừng sản xuất. Đây là nguồn lực lớn tạo thu nhập ổn định cho bà con trong việc trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và hưởng lợi từ phát triển kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, góp phần giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Theo đó, A Lưới đã phát triển tổng diện tích rừng trồng kinh tế hơn 12.000 ha, trong đó, trồng mới năm 2017 ước đạt 2.000 ha; triển khai kế hoạch phát triển rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FCS, với diện tích gần 193 ha. Lợi thế đặc thù về rừng tự nhiên, A Lưới chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo công ăn việc làm cho bà con.

Ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng, với diện tích rừng kinh tế hơn 12.000 ha, đó là nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho đồng bào trên địa bàn huyện, nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững; đồng thời là thế mạnh để phát triển các lĩnh vực dịch vụ lâm nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng.

A Lưới sẽ chú trọng lồng ghép các dự án nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh từ nghề rừng. Huyện cũng đã chọn một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất để chuyển giao cho bà con.

Hiện nay, A Lưới xây dựng các dự án trồng rừng gắn với chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn. Khai thác diện tích dưới tán rừng để phát triển mô hình trồng cây dược liệu; ứng dụng rộng rãi mô hình trồng cây dược liệu và phát huy kiến thức bản địa trong việc sử dụng các cây thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số là yếu tố phát triển các đặc sản của địa phương. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao mà các địa phương khác đã áp dụng thành công.

Bài, ảnh: Bá Trí