Người dân tham gia tuần tra, bảo vệ rừng

Nhóm hộ ông Lê Thanh Bừng (thôn Hợp Thượng) gồm 11 hộ thành viên, quản lý và khai thác 93ha rừng. Ông Bừng cho biết, tiền chi trả DVMTR được nhóm hộ mua sắm công cụ phục vụ công tác bảo vệ rừng (BVR) như: dao, rựa, bảo hộ lao động, biển báo cấm…và trích một phần kinh phí bồi dưỡng cho các thành viên làm công tác BVR. Nhóm cũng được chính quyền xã và kiểm lâm tư vấn cách thức, phương pháp hoạt động, tuần tra quản lý sao cho hiệu quả và được tham gia các lớp tập huấn về BVR.

Diện tích rừng tự nhiên ở Hồng Thượng trước đây chủ yếu do UBND xã và Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới quản lý, bảo vệ. Do diện tích rừng rộng lớn, lực lượng tuần tra, bảo vệ mỏng nên một số vụ vi phạm khai thác rừng trái pháp luật chậm được phát hiện.

Theo ông Lê Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng , từ khi giao rừng cho nhóm hộ quản lý, nhất là khi có tiền chi trả DVMTR, công tác tham gia bảo vệ được mở rộng quy mô, tần suất tuần tra bảo vệ được tăng cường; công tác tuyên truyền, vận động BVR của xã thông qua các thành viên trong nhóm được rộng rãi hơn, ý thức trách nhiệm của người dân được nâng cao, khu rừng giao được bảo vệ nghiêm ngặt và giảm thiểu thiệt hại.

Ngoài nhóm hộ ông Bừng còn có các nhóm hộ ông Hồ Văn Dương (thôn A Sáp), nhóm ông Hồ Văn Ngân (thôn A Đên), nhóm ông Hồ Bá Linh (thôn Kỳ Ré)…đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả tiền chi trả DVMTR, thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng của nhóm mình, kịp thời ngăn chặn và báo cáo với UBND xã khi có người xâm hại rừng. Năm 2016, qua các đợt kiểm tra, truy quét đã phát hiện thu giữ 1,425m3 gỗ phách và xử lý các đối tượng vi phạm 3 triệu đồng.

Việc chi trả tiền DVMTR bắt đầu thực hiện tại địa phương từ năm 2014, với số tiền dao động từ 800 – 950 triệu đồng/năm. Hầu hết các nhóm hộ đều sử dụng tốt tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, ngoài phục vụ cho công tác tuần tra, bảo vệ, có nhóm còn trích lại quỹ xoay vòng cho các thành viên vay để phát triển kinh tế gia đình như mua bò, dê, lợn, trồng rừng kinh tế... giúp người dân cải thiện đời sống, giảm phụ thuộc vào rừng.

Tiêu biểu là nhóm hộ Nguyễn Văn Ốp ở thôn Cân Sâm, trung bình mỗi năm nhóm hộ này trích 20 triệu đồng/60 triệu đồng tiền chi trả DVMTR để xây dựng quỹ giúp các thành viên trong nhóm phát triển kinh tế. Hai hộ thành viên của ông Hồ Văn Dương và Hồ Văn Khơn nhờ có vốn vay từ quỹ đã đầu tư nuôi dê và bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình tu sửa nhà ở, sắm được phương tiện đi lại.

Ông Lê Quang Vinh đánh giá, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình, giúp cho việc quản lý BVR trên địa bàn xã hiệu quả hơn, tạo cơ hội gắn kết giữa nhóm hộ gia đình với chính quyền địa phương và nâng cao năng lực quản lý, BVR và cải thiện đời sống cho Nhân dân trên địa bàn.

Với một số nhóm hộ sử dụng nguồn tiền kém hiệu quả, sai mục đích, UBND xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bên liên quan tổ chức các đợt tập huấn về công tác quản lý BVR và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền chi trả DVMTR của các nhóm một cách có hiệu quả và đúng mục đích.

Bài, ảnh: Minh Nguyên