Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017, ông Donald Trump đã có 43 cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương, cũng như gặp gỡ lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia sau khi nhậm chức.
Dù vậy, khu vực này có còn nằm trong ưu tiên của Mỹ hay không, vẫn là dấu hỏi lớn chưa có lời đáp sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quyết liệt theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục giảm sự can dự tại các thể chế khu vực.
Phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm của ông Trump, Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster tuyên bố chuyến công du đầu tiên Tổng thống Trump tới châu Á-Thái Bình Dương là cơ hội không thể tốt hơn để tái khẳng định cam kết của Washington đối với khu vực, củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống và mở rộng các liên minh-đối tác mới.
Ông McMaster cho biết 3 trọng tâm trong chuyến thăm này là đẩy mạnh giải pháp quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do-cởi mở và tăng cường sự thịnh vượng của Mỹ thông qua những hoạt động thương mại tự do và công bằng tại khu vực này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình tình khu vực đang có những chuyển biến sâu sắc, mà Mỹ lại chưa định hình chính sách đối ngoại rõ ràng tại châu Á, Tổng thống Trump chắc hẳn sẽ có chuyến công du “không hoàn toàn dễ dàng.”
Trước tiên, đó là tình hình căng thẳng tại Đông Bắc Á liên quan tới các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Dù ủng hộ quan hệ đồng minh truyền thống và cam kết bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trước mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, song những tuyên bố “bên miệng hố chiến tranh” của Tổng thống Trump đang khiến hai nước đồng minh Đông Bắc Á này của Washington lo ngại. Chủ trương của Mỹ lôi kéo và gia tăng áp lực nhằm buộc Trung Quốc tăng cường cô lập Bình Nhưỡng tới nay dường như cũng không mấy tác dụng.
Do vậy, giới phân tích cho rằng trong các cuộc gặp với lãnh đạo Nhật-Hàn, Tổng thống Trump cần phải đưa ra một hướng đi thuyết phục hơn đối với vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên để trấn an 2 đồng minh, nếu không muốn đẩy mối quan hệ đồng minh này vào tình thế hoài nghi hơn nữa.
Thương mại cũng là một nội dung quan tâm của Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du chính thức đầu tiên tới châu Á. Một trong những ưu tiên kinh tế hàng đầu của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại đang ở mức “cao ngất ngưởng” của Mỹ.
Dự kiến, Tổng thống Trump có thể nhắc tới việc sửa đổi một số nội dung Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc mà ông cho rằng "chỉ có lợi cho Seoul" đồng thời yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường cho mặt hàng ô tô và thịt bò Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đối mặt với nhiều thách lớn hơn trong chặng dừng chân tại Trung Quốc.
Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh gây thâm hụt thương mại, cản trở các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc và vi phạm sở hữu trí tuệ. Ông cáo buộc những chính sách thương mại-tiền tệ "thiếu công bằng" của Bắc Kinh là "công cụ đánh cắp việc làm của người lao động Mỹ và kìm hãm tăng trưởng" của nước này.
Song Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu và cũng là “chủ nợ” lớn nhất của Washington khi đang sở hữu hơn 1.100 tỷ USD chứng khoán Mỹ. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump không có được vị thế thuận lợi để gây sức ép thương mại với Bắc Kinh.
Dù vậy, giới quan sát cũng nhận định trong chuyến công du này, Tổng thống Donald Trump “sẽ có những ngày êm đềm” khi nhà lãnh đạo Mỹ thăm Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Bản thân việc Tổng thống Mỹ dự Hội nghị Cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng cũng cho thấy vị thế quan trọng của khu vực đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear đánh giá APEC vẫn là một diễn đàn khu vực đặc biệt quan trọng đối với Mỹ, đồng thời cho rằng sự kiện Tổng thống Trump dự Hội nghị Cấp cao APEC-2017 chứng tỏ cam kết của Washington đối với khu vực trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị và chiến lược, cũng như chia sẻ các giá trị và mục tiêu chung mà các nền kinh tế thành viên APEC đang theo đuổi.
Qua chuyến thăm, Tổng thống Trump muốn gửi thông điệp đến khu vực rằng Mỹ ủng hộ các thể chế đa phương quan trọng như APEC hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Sự kiện Tổng thống Trump thăm chính thức Việt Nam cũng được đánh giá sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ Đối tác toàn diện và nâng quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ lên một tầm cao mới.
Nhìn lại chặng đường phát triển 22 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương, quan hệ Việt Nam-Mỹ có những bước phát triển vượt bậc, trở thành đối tác toàn diện của nhau và hai nước đang tiếp tục mở rộng hợp tác đôi bên cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đến khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh hay các vấn đề cùng quan tâm như chống biến đổi khí hậu, y tế và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng sinh viên theo học tại các trường cao đẳng-đại học tại Mỹ với hơn 20.000 sinh viên; hàng năm có hơn 500.000 khách du lịch Mỹ tới Việt Nam. Hai nước ngày càng hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), APEC hay ASEAN.
Châu Á-Thái Bình Dương hội tụ các đầu tàu kinh tế và đang là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Lợi ích quốc gia của Mỹ gắn liền với một khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự do và ổn định.
Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Dù theo đuổi đường lối “Nước Mỹ trên hết”, song chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Donald Trump chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực này đối với an ninh-thịnh vượng của chính nước Mỹ. Chuyến thăm có lẽ sẽ giúp làm sáng tỏ tầm nhìn và định hình chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian tới./.
Theo Vietnam+