Giáo viên có vai trò rất quan trọng đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, phải tạo động lực để giáo viên chuyên tâm giảng dạy bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cải thiện chính sách đãi ngộ, tăng lương cho giáo viên. Đó là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương sao cho vừa với sức cống hiến của nhà giáo, tạo động lực cho nhà giáo an tâm công tác và thực hiện đổi mới giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đến Nghị quyết 29 Trung ương 8 khóa XI đều khẳng định, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nhưng thực tế vẫn chưa có động thái cụ thể thực hiện chủ trương này. Theo quy định về chế độ tiền lương hiện tại, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, 30 năm đối với giáo viên trung học cơ sở, 27 năm đối với giáo viên trung học phổ thông. Lương giáo viên mầm non và tiểu học từ bậc 1 là 1,86 đến bậc 12 là 4,06 với mức lương cơ bản hiện tại thì trong 24 năm công tác không tăng đáng kể, chỉ tăng khoảng 2.860.000 đồng.
Rõ ràng điều này khó trở thành động lực cho nhà giáo phấn đấu và chưa song hành với mục tiêu đổi mới.
Theo đại biểu Quyên Thanh, song song với quá trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, cần đưa các chính sách về nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vào quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trong năm 2018, cũng như sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Vị thế của nhà giáo cần được nâng cao
“Về lâu dài, chính sách đối với giáo viên cần được Quốc hội quan tâm để sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm 2019. Vì áp dụng Luật Viên chức hiện nay đang gặp nhiều trở ngại và đang mâu thuẫn với Điều 58 của Luật Giáo dục, làm giảm vị thế nhà giáo do chưa xem xét đến nghề đặc thù, một nghề bất cứ xã hội nào cũng đòi hỏi phải có sự trân trọng tôn vinh”, đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) đề xuất.
Vì ngân sách nhà nước có hạn, Quốc hội đã cố gắng dành 20% ngân sách nhà nước để đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, vai trò của ngành giáo dục trong việc tham mưu cho Chính phủ để phân bổ sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách này cũng đang là vấn đề lớn đặt ra.
Trước tiên, với giáo dục phổ thông đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp để nâng cao vị thế nhà giáo. Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đã đưa ra định hướng chỉ đạo đó là lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng.
Để thực hiện được chủ trương này đề nghị nâng cao vị thế nhà giáo và tinh giản đội ngũ nhà giáo hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn nhằm tạo sự bình đẳng về vị thế nhà giáo giữa trường công lập và ngoài công lập.
Ngoài ra là cần làm rõ trách nhiệm của nhà nước với mỗi học sinh ở cấp học mầm non và bậc học phổ cập trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, làm rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng đầu tư và giảng dạy ở các cơ sở này sao cho tương xứng với mức học phí của người dân đóng góp. Nếu làm rõ vấn đề này chắc chắn sẽ thu hút không ít nhà đầu tư tham gia đỡ gánh nặng với nhà nước.
Theo đại biểu Ngô Thị Minh, những nội dung này cần được Chính phủ xem xét khi sửa Luật Giáo dục năm 2018 và khi xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Đối tác công tư mà tôi đã từng đề xuất với Quốc hội.
Đó là những công việc triển khai trước khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước. Rất mong Chính phủ và Quốc hội xem xét chọn thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIII cho phù hợp
Theo VOV