Đường sắt Bắc - Nam qua khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… bị tê liệt. Từ ga Chí Thạnh đến Kà Rôm có tới 18 khu gian bị đổ cột điện. Toàn bộ ga Cây Cầy ngập nước, thiết bị chạy tàu phải đình chỉ.
Đường ngang có gác km 1279+940 bị gãy 2 cột tín hiệu đường bộ. Mặc dù trời mưa, gió to nhưng các đơn vị đường sắt vẫn khẩn trương khắc phục tạm thời để tiếp tục chạy tàu dần tới khu gian kế tiếp.
Do nhiều điểm phải phong tỏa, đường sắt cho dừng nhiều tàu khách tại các ga dọc đường để đảm bảo an toàn.
Sáng nay, tàu SE7 dừng ga Diêu Trì với 392 hành khách; tàu SE2 dừng ga Phong Thạnh với 410 khách; tàu SQN4 dừng ga Nha Trang với 416 khách; đặc biệt, tàu SE5 phải dừng dọc đường với 267 khách… Ngoài ra còn có 6 đoàn tàu hàng cũng phải dừng tại các ga.
Để đảm bảo an toàn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định bãi bỏ tàu SE6, SE22 chạy tại ga Sài Gòn, tàu SQN1 xuất phát ga Quy Nhơn hôm nay.
Ngoài ra, chuyển hành khách giữa các tàu đang chờ tại các ga và lập tàu mới để có thể tiếp tục vận chuyển hành khách qua các khu vực đường sắt không bị ảnh hưởng do bão.
Để có thể ứng phó kịp thời trước diễn biến khó lường của bão số 12, các công ty đường sắt, công ty thông tin tín hiệu đã chuẩn bị đầy đủ theo phương án phòng chống lụt bão về nhân lực, vật lực, thiết bị.
Các công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn đã chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để phục vụ hành khách khi phải dừng tàu tại các ga.
Tính đến 20h tối 4/11, có 5 khu gian vẫn phải phong tỏa, trong đó nặng nhất là sụt trượt trên Đèo Cả (khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh) và sụt taluy khu gian Lương Sơn - Nha Trang khoảng 50m.
Tổng Công ty Đường sắt cho biết, trong đêm nay sẽ phấn đấu thông đường tại 4 khu gian (trừ khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh) để chuyển tải vào sáng ngày 5/11.
Theo Dân trí