Kiểm tra sạt lở ở Vinh Hải

Tại bờ biển Vinh Hải, ghi nhận vào sáng 7/11, xâm thực toàn tuyến bờ biển dài 3,3 km, có đoạn biển xâm thực chỉ còn cách Tỉnh lộ 21 là 0,5 m; trong đó, tại bờ biển thuộc thôn 4 bị xâm thực sâu hơn 10m so với cách đó mấy ngày với chiều dài khoảng 100m. Hệ thống đê kè được xây dựng vào năm 2014 chống xâm thực cũng đã bị sóng biển đánh bay. Nước biển tràn qua tuyến đường giao thông Tỉnh lộ 21 và làm ngập trực tiếp 170ha đất nông nghiệp của người dân Vinh Hải.

Ông Nguyễn Hữu, quyền Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho hay, trong ngày 6/7, nước biển ăn sâu đã mở một cửa biển rộng khoảng 30m. Đến rạng sáng 7/11, nước biển tiếp tục xâm thực và mở thêm một cửa nữa với chiều rộng khoảng 50m. Nếu xâm thực còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, nguy cơ mở thêm cửa biển rất dễ xảy ra. Đường giao thông tỉnh lộ 21 dễ bị xâm thực và hư hại.

Cửa biển Lăng Cô cũng đang bị xâm thực nghiêm trọng. Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, xâm thực biển  gây sạt lở ngay tại cửa biển  dài hơn 120m (khu vực tại Trạm Biên phòng Lăng Cô). Cửa biển trước đây rộng 100m, đến sáng 7/11 đã rộng ra khoảng 200m. Kè đá và các bao cát được xây dựng cuối năm 2016 cũng đã bị nước biển đánh gần hết. Nước xoáy sâu phía dưới nên kè đá bị sập.

Tại cửa biển Vinh Hiền ở phía thôn Hải Bình, xã Lộc Bình nước trong đầm cầu Hai chảy ra mạnh cũng làm sạt lở sâu khoảng 10m, dài 100m. Ở hạ nguồn sông Bù Lu, thuộc thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh sạt lở cũng đang diễn ra phức tạp, tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m. Cách đó không xa, cửa biển Lạch Giang cũng bị sạt lở gần 1m với chiều dài khoảng 150.

Lãnh đạo các địa phương bị sạt lở cho biết, các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn; đồng thời, cử cán bộ theo dõi hai điểm xung yếu thường xuyên để có các phương án di dời dân nếu còn diễn biến phức tạp.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, sau lũ, huyện sẽ có đề xuất với lãnh đạo tỉnh sớm có phương án khắc phục sạt lở do xâm thực. Riêng tại biển Vinh Hải, cần phải có phương án chống xâm thực lâu dài, chứ không thể bằng rọ đá.

Bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản Nhân dân

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT&TKCN Hoàng Văn Thắng trong chuyến kiểm tra tình hình sạt lở tại bờ biển Thuận An (Phú Vang) sáng 7/11.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, từ ngày 1/11 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, chủ hồ đập triển khai phương án bảo vệ các công trình, điều tiết mực nước hợp lý, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng Nhân dân vùng hạ du. Các hộ dân ở vùng xung yếu, ven biển, thấp trũng đều được sơ tán, di dời đến nơi an toàn.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Mực nước tại các hồ chứa còn ở mức cao cần có phương án điều tiết hợp lý, không để ngập lũ cao, bất ngờ tại các vùng hạ du. Các địa phương, ban ngành cần lưu ý tại các tuyến biển đang bị ảnh hưởng, sạt lở, đe dọa tính mạng người dân; chủ động theo dõi để có biện pháp sơ tán tài sản, người dân đến nơi an toàn.

Hoàng Triều

Bài, ảnh: Đức Quang