Tuổi thơ tôi lớn lên bên bếp lửa của mẹ.

Bếp lửa ngày xưa đơn sơ lắm, chỉ là một cái kiềng ba chân nho nhỏ dựng ở góc bếp, khói bụi nghi ngút. Nhiên liệu đun nấu có thể bằng rơm, lá dương liễu hay củi tre khô quanh vườn, thi thoảng có những bó củi dương liễu, là lúc đốn hạ làm nhà, phần thừa ra được dành lại để đun nấu.

Thuở tôi còn bé, gian bếp là một thế giới thật sống động. Từ bếp, những hạt gạo rời rạc chốc lát trở thành những hạt cơm thơm dẻo mà dù ăn với bất kỳ thứ gì cũng thấy ngon. Từ bếp lửa, tôi được ăn những hạt bắp thơm giòn, được nếm thử vị khoai lang thơm ngọt đầu mùa nướng trên than củi. Từ bếp, tôi được nghe bà kể biết bao câu chuyện, gieo vào tôi bao niềm mong mỏi của con trẻ về một thế giới với bao điều kỳ diệu.

Những ngày đông, khi mẹ thổi cơm chiều, mấy chị em tôi xúm xít ngồi quanh vừa sưởi ấm vừa nghịch lửa. Hơi lửa ấm áp thật dễ chịu, mặt đứa nào cũng đỏ hồng. Hễ thấy phía mình có khói, tôi lại vừa đưa tay xua xua vừa đọc câu ca mẹ bày: “Khói, khói mày qua bên kia. Bên kia có cơm với cá. Bên này có đá đập đầu”. Rồi lại cười rộ lên khi thấy khói bay qua bên kia thật. Ngọn khói mỏng có lúc chỉ loe lét như một ánh lửa nhỏ.

Từ bếp lửa nhỏ nồng nàn bao nhiêu hương vị của đồng quê. Bữa cơm đạm bạc, dân dã nhưng ai cũng khen nức nở. Bên bếp lửa ấy, chị em chúng tôi chầu chực bên mẹ để đợi “thử” tay nghề đỗ bánh thuẫn, các loại mứt, xúm xít cùng bà canh nồi bánh tét đêm giao thừa. Lửa bập bùng xua tan đi cái lạnh của những ngày mưa phùn giá rét... Hồi bé, chị em tôi vẫn theo bọn trẻ chăn trâu trong xóm dắt theo dăm củ khoai, củ sắn, hì hụi gom chút rơm trên đồng, chụm đầu vào thổi cho lửa bùng lên và chờ đợi mùi khoai sắn nướng thơm lừng.

Thời gian trôi, cái kiềng ba chân cũng mòn dần theo năm tháng và tuổi tác đời mẹ. Cuộc sống văn minh hiện đại đã che lấp hình ảnh bếp lửa quen thuộc, nhưng trong tôi vẫn thấp thoáng hình ảnh tần tảo của mẹ quần ống thấp ống cao ở đồng về, vội vào ngay góc bếp thổi lửa nấu cơm. Ký ức xưa trong sáng và đẹp vô ngần...

Nguyệt Tú