Theo cuộc khảo sát với sự tham gia của gần 2.000 chuyên gia chăm sóc sức khoẻ, trên 40% người từng làm việc trong khi bị bệnh. Họ thú nhận có lúc đã bị cúm khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Có đến 40% y bác sĩ từng tiếp xúc bệnh nhân khi họ đang bị cúm. Ảnh: shutterstock

"Các số liệu thống kê quả là đáng báo động. Có ít nhất một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những bệnh nhân tiếp xúc với nhân viên chăm sóc sức khoẻ bị bệnh có nguy cơ mắc bệnh trong lúc chăm sóc y tế cao hơn gấp năm lần", tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Sophia Chiu, cho biết. "Chúng tôi khuyên tất cả các cơ sở y tế phải có biện pháp để hỗ trợ và khuyến khích nhân viên của họ không làm việc trong khi đang mắc bệnh", Viện nghiên cứu Quốc gia về An toàn Lao động và Chăm sóc Sức khoẻ, trực thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) nói thêm.

Trong số hơn 1.900 bác sĩ, y tá, dược sĩ và phụ tá được hỏi ý kiến, 414 thú nhận đã làm việc trong khi đang có các triệu chứng cúm. 44% trong số đó cho biết mỗi người đã có ít nhất là 3 ngày làm việc khi bản thân đang mắc phải các bệnh giống cúm (ILI).

Một báo cáo được tiến hành trong mùa cúm 2014-2015 cho thấy các dược sĩ là những người có khả năng làm việc trong khi bị cúm cao nhất. 67% các dược sĩ được hỏi cho biết họ đã đi làm trong khi có các bệnh giống cúm. Những người có ít khả năng đi làm trong khi bị bệnh nhất là y tá. Chỉ dưới 38% nói rằng họ đã đến chỗ làm việc trong khi bị bệnh.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kiểm soát Nhiễm trùng Hoa Kỳ này cho biết thêm lý do chính mà nhân viên chăm sóc sức khoẻ không khai báo tình trạng mắc bệnh của mình bao gồm một số lý do như không cảm thấy “quá mệt” để nghỉ ở nhà, áp lực phải đi làm để hỗ trợ đồng nghiệp, và không thể để tìm một người nào khác để thay ca cho mình.

CDC khuyến cáo rằng bất cứ ai mắc bệnh cúm cũng phải đợi 24 giờ kể từ khi hết sốt trước khi trở lại làm việc. Theo thống kê của CDC, dịch cúm năm nay dự kiến sẽ tăng lên vào tháng 12 trước khi đạt đỉnh điểm vào tháng 2 năm 2018.

Thế Vĩnh (lược dịch từ CBS Las Vegas)