“Hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”… là điều Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và được toàn thể xã hội hưởng ứng. Trong ngày mở đầu của “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2013 (từ ngày 1 đến 30/6) được phát động trên phạm vi toàn quốc, với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số” diễn ra nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Tại Thừa Thiên Huế, lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức ngày 1/6, tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc. Sau lễ phát động của tỉnh sẽ tiếp tục diễn ra lễ phát động ở cấp huyện, thị, thành phố. Trong Tháng hành động vì trẻ em, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo nhằm triển khai tốt chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015. Theo đó, những ngày qua, cùng với nhiều hoạt động tổ chức vui chơi, trao thưởng, tặng quà cho các cháu thiếu nhi còn có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm sóc, giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn của.  Lãnh đạo tỉnh đến thăm, tặng quà Cơ sở bảo trợ xã hội Nước Ngọt, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc nơi nuôi dưỡng 76 trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức giao lưu gặp mặt và trao quà, học bổng tặng 120 trẻ em nghèo, học sinh vượt khó tiêu biểu năm 2013; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp Công ty Bảo Việt Nhân thọ cùng một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trao 70 suất học bổng an sinh giáo dục và quà cho các em học sinh nghèo vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập; trao 50 suất quà cho trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi trên địa bàn TP Huế...

Bên cạnh những gam màu sáng đó, hiện vẫn còn nhiều mảng màu tối cần sớm khắc phục. Theo số liệu của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có trên 8 nghìn trẻ thuộc các nhóm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó, có gần 2 nghìn trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; gần 900 em tàn tật hộ nghèo. Nhiều trẻ em nghèo, nhất là là ở vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn do hoàn cảnh gia đình khó nên phải bỏ học để kiếm tiền. Việc không được đến trường đã dẫn đến thực trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, bị xâm hại tình dục, bị mua bán hoặc vi phạm pháp luật ngày càng tăng...
 
Để việc chăm sóc thế hệ tương lai thiết thực và có hiệu quả, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, mỗi gia đình cần nâng cao quan tâm hơn, làm tốt việc chăm sóc con em mình để các em được đảm bảo về dinh dưỡng, được học tập, vui chơi, có điều kiện phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, điều Bác Hồ dạy cách đây hơn 70 năm vẫn còn có tính thời sự. Vì vậy, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, vì sự phát triển bền vững của dân tộc, đất nước.
Hoàng Giang