Bà Mary Trechock, Tuỳ viên Báo chí, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh

- Điểm số và hoạt động xã hội là hai yếu tố "sống còn" để đánh giá hồ sơ xin học bổng, nhưng trên thực tế hai điều này chỉ mang tính tương đối. Cần phải kể đến vài yếu tố khác như: hiểu rõ vấn đề tài chính của trường, bộ hồ sơ hoàn chỉnh, độc đáo... Bà có thể nói cụ thể để nhiều bạn trẻ nuôi dưỡng ước mơ du học hiểu rõ hơn vấn đề này?

Điểm số và hoạt động ngoại khoá/hoạt động xã hội chỉ là hai phần trong hồ sơ xin học bổng của sinh viên mà uỷ ban xét học bổng và ban tuyển sinh xem xét. Để có cơ hội được xét duyệt cao, điều quan trọng là sinh viên phải có kế hoạch học tập rõ ràng. Sinh viên phải giải thích rõ mục tiêu nghề nghiệp và trình bày rõ việc học tập ở Hoa Kỳ sẽ giúp họ đạt được những mục tiêu nghề nghiệp này như thế nào. Ban xét duyệt muốn biết rõ về sinh viên - cảm nhận được tính cách của sinh viên - đó là lý do tại sao bài tự luận lại là một phần quan trọng trong hồ sơ của sinh viên.

- Việc chọn một ngành nghề để theo đuổi ở các trường ĐH, CĐ thuộc hệ thống giáo dục Hoa Kỳ không phải ai cũng có thể nắm rõ. Vậy chọn ngành, nghề sao cho phù hợp phụ thuộc vào những yếu tố nào, thưa bà?

Tôi nghĩ sinh viên nên chọn ngành học mà họ đam mê, chứ không phải ngành học mà họ nghĩ sẽ có thu nhập cao sau khi ra trường. Nếu đam mê của họ là lịch sử hoặc nghệ thuật, nhưng họ lại chọn học kinh doanh bởi vì họ nghĩ sẽ tìm được công việc tốt hơn sau khi tốt nghiệp, có thể họ sẽ không đam mê khoá học đó và sẽ không đạt được kết quả học tập tốt ở trường. Tại rất nhiều trường học ở Hoa Kỳ, sinh viên có thể đợi 1 hoặc 2 năm để công bố ngành học của mình. Điều này cho phép họ học nhiều môn học khác nhau trước khi chọn ngành học phù hợp nhất với đam mê và mục tiêu nghề nghiệp.

- Nhưng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng rất quan trọng?

Chúng tôi không có bất cứ nguồn thông tin nào về tỉ lệ % sinh viên Việt Nam theo học ở Hoa Kỳ trở về nước sau khi tốt nghiệp. Nhưng rõ ràng, sinh viên Việt Nam sau khi trở về nước thường có chất lượng cao hơn với những kỹ năng phụ nhất định như thuyết trình, làm việc nhóm và cách giải quyết vấn đề.

- Bà đánh giá như thế nào về năng lực của du học sinh Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ?

Sinh viên Việt Nam học tập rất tốt ở tất cả các bậc học. Mỗi năm chúng tôi đều thấy những sinh viên thành công trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp và tìm được những vị trí làm việc hấp dẫn, có thu nhập cao trong nền kinh tế Việt Nam.

Đông đảo phụ huynh, học sinh tìm hiểu du học Hoa Kỳ tại một cuộc triển lãm do các trường cao đẳng Hoa Kỳ tổ chức tại Huế

Đối với những du học sinh Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế khi đi du học ở Hoa Kỳ, khi về nước sẽ có rất nhiều lợi thế. Các bạn rất trôi chảy, thành thạo tiếng Anh. Ngoài ra, kinh nghiệm trong môi trường làm việc quốc tế cũng sẽ giúp các bạn có lợi thế khi đi xin việc. Nhưng vai trò lớn nhất, những du học sinh Việt Nam chính là cầu nối giữa Việt Nam với Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới khi có vai trò như những đại sứ văn hóa, giúp người Mỹ hiểu biết thêm về người Việt Nam. Khi trở lại Việt Nam, họ giúp mọi người hiểu hơn về Hoa Kỳ. Ngoài ra, du học sinh có thể sử dụng kiến thức thu nhận tại Hoa Kỳ để xây dựng đất nước thịnh vượng hơn.

- Thời gian qua xôn xao một vài chuyện bằng cấp ở Hoa Kỳ không được công nhận tại Việt Nam. Bà có thể cho lời khuyên đối với học sinh, sinh viên Việt Nam có ý định du học Hoa Kỳ?

Sinh viên luôn phải bảo đảm chắc chắn là học ở trường đại học được kiểm định. Bộ phận tư vấn giáo dục Education USA của chúng tôi có thể giúp sinh viên lựa chọn những trường phù hợp. Bộ phận tư vấn luôn sẵn sàng tư vấn cho sinh viên qua điện thoại, skype hoặc email - tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

- Trước những thay đổi liên quan đến chính sách nhập cảnh vào Hoa Kỳ, nhiều học sinh Việt Nam có ý định du học đang hết sức dè dặt khi nộp hồ sơ. Thực tế việc này như thế nào, thưa bà?

Hiện không có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến chính sách nhập cư của Hoa Kỳ có ảnh hưởng đến sinh viên Việt Nam. Sinh viên luôn được chào đón nộp đơn xin nhập học và xin thị thực như thường lệ.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

PHAN THÀNH (Thực hiện)