Đây là thành tích mà những “cây đa, cây đề” của làng cờ Việt Nam không làm được. Trước đó, cậu bé người Sài Gòn từng vô địch U-10 và U-12 thế giới cờ tiêu chuẩn. Tương lai rộng mở trước mắt Anh Khôi nếu tiếp tục được chăm sóc và đầu tư kỹ càng.

Nguyễn Tiến Minh. Ảnh: Internet

Tôi nói kỹ càng là bởi trước đó cũng đã có những trường hợp tài năng thể thao lóe sáng nhưng rồi sau đó vụt tắt ngay. May thay những năm qua, thể thao nước nhà đã có nhiều sao trẻ được đầu tư tốt để rồi tỏa sáng rực rỡ. Tiêu biểu là Nguyễn Tiến Minh ở môn cầu lông. Ở tuổi teen, Tiến Minh không có thành tích nổi trội. Làm quen từ năm 10 tuổi nhưng mãi đến năm 18 tuổi (2001), Nguyễn Tiến Minh mới trở thành vận động viên cầu lông chuyên nghiệp. Tiến Minh từng xếp hạng 5 thế giới. Trong các môn quần vợt hay cầu lông, có mặt ở top 5 thế giới là giấc mơ vàng của các vận động viên đến từ các quốc gia “vùng trũng” thể thao như Việt Nam. Người ta dự đoán, cả chục năm nữa, cầu lông Việt Nam chưa chắc đã tìm được một gương mặt thay thế.

Thể thao Việt Nam đang sở hữu nhiều tài năng sáng giá ở các môn thể thao có tính chuyên nghiệp, cạnh tranh quốc tế cao và thu hút nhiều fan hâm mộ, như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Lê Quang Liêm (cờ vua) hay ở tầm thấp hơn là Lý Hoàng Nam (quần vợt)… Tuy chỉ mới ở tầm châu lục nhưng kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã và đang là cái tên gây sốt của thể thao Việt Nam. SEA Games 29 vừa qua chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử, một kình ngư đến từ nước Việt, gần như một lần xuống nước là đem huy chương vàng về cho Tổ quốc. Còn Lê Quang Liêm, với vị trí thứ 23 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) vào tháng 8/2017, cho thấy vị thế “độc cô cầu bại”.

16 tuổi, cô gái người Cần Thơ được phát hiện không chỉ bởi thành tích mà còn do cô sở hữu những tố chất quá lý tưởng của một vận động viên bơi lội khi cao 1m72, sải tay dài 1,78m, bàn chân to và các nhóm cơ suôn dài. Để phát triển tài năng, Nguyễn Thị Ánh Viên được đơn vị chủ quản đưa sang tập huấn dài hạn ở cường quốc bơi lội số 1 Hoa Kỳ với kinh phí lên tới gần 7 tỷ đồng. Còn để đảm bảo đủ sức luyện tập và thi đấu, dù rất ngán ăn, hàng ngày Ánh Viên phải “xơi” tới 4 bữa ăn chính và 1 bữa phụ; trong đó, bữa chính sơ sơ đã có ít nhất 1 kg thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mỳ to, 1 đĩa rau trộn, 1 lít sữa tươi.

Nguyễn Tiến Minh lại khác. Thể thao Việt Nam chưa có vận động viên nào đạt đến đẳng cấp thế giới và trụ lại lâu như Tiến Minh. Thành công ấy mang lại nhiều hợp đồng thương mại, giúp anh đứng vững và chuyên tâm lo cho sự nghiệp đỉnh cao. Thế nhưng, Tiến Minh lại là một trường hợp độc và lạ của cầu lông. Khi đẳng cấp vươn đến tầm thế giới, anh phải đối diện với thực tế ngược ngạo, không huấn luyện viên trong nước nào đủ tầm để chỉ đạo chuyên môn. Cảnh tập luyện thường thấy của tay vợt số một Việt Nam là chấp cùng lúc hai hoặc ba đàn em. Còn để giữ vị trí trên bảng tổng sắp thế giới, mỗi năm Tiến Minh phải xuất ngoại, đánh trung bình khoảng 15 giải lớn nhỏ. Hầu hết đi một mình, vì kinh phí từ ngân sách Nhà nước chỉ đủ để hỗ trợ cho một suất của Tiến Minh.

Thành công của Liêm, của Viên, của Minh… rồi đây Anh Khôi muốn thành danh cũng phải vậy, là sự kết hợp giữa tài năng, khổ luyện và sự chăm lo của gia đình và xã hội. Rất tiếc, vì nhiều lý do khác nhau, nó lại chưa phải con đường chung của nhiều tài năng thể thao Việt Nam.

ĐAN DUY