Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 6-11/11 tại TP. Đà Nẵng, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ông Alan Bollard đã chia sẻ những vấn đề quan trọng, như các hiệp định thương mại tự do, những dấu ấn và đóng góp của Việt Nam trong APEC…

Ông Alan Bollard trả lời phỏng vấn báo chí trong nước và quốc tế

FTAAP – Cánh cửa hội nhập khu vực

Gần đây, Hội nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến ​​sự thay đổi và phát triển: Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) đang được bàn thảo; Liên minh Thái Bình Dương mở rộng cùng các thành viên mới và Cộng đồng kinh tế hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AEC) được thành lập.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia tin rằng, Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) bao gồm tất cả 21 nền kinh tế APEC là một cách hiệu quả để giảm “hiệu ứng mì ống” (“spaghetti bowl effect” - mô tả tình hình luật lệ chồng chéo đối với các nhà kinh doanh) của các thỏa thuận thương mại khu vực và rủi ro phân mảnh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Alan Bollard nói thêm: "Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, những trở ngại về khả năng thực hiện FTAAP cũng sẽ được xác định”. Các bước và những biện pháp cụ thể dự kiến được thực hiện để tăng cường sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương, và thậm chí cả thế giới bằng cách tích hợp và kết nối.

Dấu ấn của nước chủ nhà Việt Nam

Đánh giá vai trò, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong APEC, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, ông Alan Bollard cho hay, kể từ khi trở thành thành viên chính thức của APEC vào năm 1998, Việt Nam là một thành viên rất tích cực của APEC. Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2006 cách đây 11 năm, kể từ đó, sự đóng góp của Việt Nam được thể hiện trong việc cải thiện nâng cao năng lực thông qua một loạt sáng kiến của APEC.

Về chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” mà Việt Nam đề xuất trong Năm APEC 2017, ông Alan Bollard nhận định, đây là một chủ đề lớn, đủ để bao trùm toàn bộ các sáng kiến đang được thảo luận tại APEC.

Cũng theo Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam đang góp phần dẫn dắt tương lai APEC, đặt ra những ưu tiên trong hoạt động của Năm APEC 2017 để đạt những kết quả tốt nhất. Trong đó, có sáng kiến về tăng trưởng bao trùm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội và xây dựng một cơ chế thảo luận về tầm nhìn APEC sau 2020. Những sáng kiến mà Việt Nam đưa ra nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các nền kinh tế khác. Lãnh đạo các nền kinh tế APEC cũng mong muốn nhiều nội dung được triển khai hơn nữa, nhằm hướng tới một Cộng đồng APEC bao trùm hơn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng khởi động nhiều chương trình để các chủ nhà tiếp theo của APEC tiếp quản, chẳng hạn như Papua New Guinea vào năm 2018 và Chile trong năm 2019.

Đáng chú ý, mặc dù những quan ngại về toàn cầu hóa ngày càng tăng, cùng những băn khoăn về tương lai của một số hiệp định thương mại khu vực nhưng Việt Nam đang ở vị trí tốt để giải quyết vấn đề này, bởi Việt Nam là một thành viên tiềm năng trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời giữ vai trò quốc gia chủ nhà Năm APEC 2017.

Ông Alan Bollard khẳng định, tất cả các nền kinh tế APEC cùng nhau thảo luận về cách để hội nhập kinh tế khu vực sẽ tiến lên, đồng thời đưa ra những kế hoạch hành động trong năm nay, một năm được nhận định là nhiều thách thức đối với tất cả các nền kinh tế.

Bài, ảnh: PHONG BÌNH - HUỆ THẢO