Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ trái sang) yêu cầu Thủy điện Bình Điền đảm bảo vừa vận hành phát điện nhà máy, vừa điều tiết cắt lũ vùng hạ du

Theo báo cáo của lãnh đạo thuỷ điện, do ảnh hưởng của mưa lớn nên thuỷ điện vận hành xả lũ. Trước tình hình mưa lũ phức tạp nên lãnh đạo nhà máy thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo ban BCH PCTT&TKCNb tỉnh phối hợp điều tiết lưu lượng xả lũ về hạ du nhằm tránh gây lũ nhân tạo, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn hạ du. Song do mưa lớn đã làm sạt lở 2 điểm tại dưới ống dẫn lưu và kè đường công vụ mỗi bên 200m. Đến nay, đã huy động phương tiện, lực lượng tiến hành đổ khoảng 1000m đá hộc và đá dăm gia cố sạt lở.  Trong thời gian diễn ra vận hành xả lũ, công trình đầu mối bảo đảm an toàn, nhà máy vận hành phát điện bình thường hai tổ máy. Ước tính thiệt hại do mưa lũ khoảng 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Cao (thứ 2 từ trái sang) thị sát tại Thủy điện Bình Điền

Sau khi thị sát các điểm sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo nhà máy, đã nhanh chóng khắc phục bước đầu không ảnh hưởng lớn đến an toàn hồ chứa và vận hành của nhà máy.

Gia cố các điểm sạt lở

Chủ tịch Nguyễn Văn Cao yêu cầu lãnh đạo nhà máy tiếp tục gia cố các điểm sạt lở, đảm bảo vừa vận hành phát điện nhà máy, vừa điều tiết cắt lũ vùng hạ du. Về lâu dài, cần thuê nhà tư vấn thiết kế đánh giá tổng quát toàn bộ công trình nhằm có phương án đảm bảo vận hành  thuỷ điện trong mùa mưa lũ.

* Trưa 9/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã có mặt tại huyện Nam Đông kiểm tra tuyến đường Hồ Chí Minh La Sơn - Nam Đông và Nam Đông - Tuý Loan và đường 14B đi Nam Đông.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu các nhà thầu cần đảm bảo an toàn trong thi công

Tiếp tục chuyến thị sát và chỉ đạo khắc phục hậu quả thiệt hại của mua lũ, trưa 9/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã có mặt tại huyện Nam Đông kiểm tra tuyến đường Hồ Chí Minh La Sơn - Nam Đông và Nam Đông - Tuý Loan và đường 14B đi Nam Đông.

Lán trại bị chôn lấp do sạt lở

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, mưa lũ làm tuyến đường 14B đi Nam Đông tê liệt nhiều ngày do sạt lở nhiều điểm. Cụ thể, đường 14B sạt lở hơn 10 điểm; trong đó vị trí sạt lở lớn nhất tại km17+ 100 với khoảng 10.000m khối, các điểm sạt lở khác không làm ách tắc giao thông. Các lực lượng chức năng đã điều động lực lượng, phương tiện bóc dở đất đá và cơ bản thông đường 2 chiều vào ngày 9/11. Tuy nhiên hiện vẫn có một số điểm sạt lở có nguy cơ đổ sụp xuống đường 14B bất cứ lúc nào khi mưa lớn.

Đường cao tốc  Hồ Chí Minh đang thi công sạt lở tại một số điểm cũng đang được khắc phục.

Các điểm sạt lở đã được thông đường 

Sau khi kiểm tra thực tế tại các điểm sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu các nhà thầu cần đảm bảo an toàn trong thi công, không để sạt lở  ảnh hưởng đến đời sống của người dân khi trời mưa lớn. Có phương án ngăn ngừa tại các điểm sạt lở. Cử lực lượng, phương tiện túc trực tại các điểm xung yếu phòng khi có sạt lở, ách tắc nhanh chóng khắc phục, thông tuyến. Đảm bảo an toàn tuyệt đối và phương tiện lưu thông trên các tuyến.

Tin, ảnh, clip: Thái Bình