Đường ra khu nuôi trồng thủy sản Quảng Công vẫn ngập sâu

Anh Nguyễn Ngọc, trưởng thôn 14 xót xa: Nhiều hộ trong thôn mới thả cá giống được chừng 2-3 tháng, nhưng nước lũ lên, cá giống đi sạch. Những hồ cá sắp đến thời điểm thu hoạch cũng thất thoát không ít.

Gia đình ông Dũng, thôn 14 vừa thả nuôi hơn 15 triệu đồng cá nâu giống. Ông Dũng chủ động đắp đê cao, dùng lưới mắt nhỏ căng chắn để hạn chế cá thoát ra ngoài, thế nhưng nước lũ lớn liên tiếp những ngày cao ngập cả lưới. Toàn bộ khu nuôi cá bị tràn bờ ra hết.

Ông Dũng buồn bã: "Công sức gia đình tôi bỏ ra giờ trôi theo dòng lũ. Bình thường gia đình có làm ô nhỏ nuôi cá nhỏ nhưng do mấy ngày trước con trai không khỏe nên chưa đưa cá vào ô. Giờ cá thất thoát hết, lượng cá tràn ra hồ khác cũng có nguy cơ không sống được do có nhiều loại cá ăn thịt khác".

Nếu như mọi năm, nuôi cá vượt lũ mang lại thu nhập vài trăm triệu/năm cho người dân xã Quảng Công thì năm nay lũ lớn kéo dài đã khiến nhiều hộ gần như trắng tay. Mặc dù xã đã thường xuyên thông tin về tình hình bão lũ, khuyến cáo nông dân thu hoạch thủy sản đến lứa, củng cố thêm hệ thống lưới dọc bờ đê nhưng do nước năm nay quá cao và ngập lụt kéo dài nên tổn thất trên địa bàn khá lớn. Thiệt hại ban đầu do cá thất thoát ước tính trên 3,7 tỷ đồng.

Người dân tập trung chăm sóc cá

Sáng 9/11 tranh thủ nước rút, người dân tập trung gia cố bờ bao, tiêu độc khử trùng nguồn nước, bảo đảm an toàn dịch bệnh và chuẩn bị xuống giống mới nhằm đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đính, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công lý giải: Khu vực nuôi trồng thủy sản được thiết kế ô, mùng chắn cao từ 2,5-3m, tuy nhiên do nước lên cao vượt quá độ cao thiết kế khiến cá thoát ra ngoài. Xã đang phối hợp với các thôn tiến hành khắc phục tạm thời những khu vực ngập thấp đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra dọc khu vực nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực, tránh tình trạng người dân từ nơi khác tới lợi dụng tình hình mưa lũ khai thác “trộm” tại khu vực nuôi trồng.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền cũng khuyến cáo người nuôi thủy sản có diện tích ao nuôi bị ngập, tràn bờ tập trung kiểm tra và tu bổ sửa chữa lại bờ, cống ao. Kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh phù hợp như: bón vôi, chế phẩm sinh học để xử lý ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết; thu vớt cành lá cây, rác trên bề mặt tránh gây ô nhiễm nước ao nuôi; sử dụng thức ăn, kéo lưới để kiểm tra lại mật độ, khối lượng đàn cá nuôi trong ao để thả giống bổ sung nếu cần thiết.

Bài, ảnh: Hoàng Loan