Đây cũng là một kỳ họp mà ở đó, các đại biểu sẽ được lấy tín nhiệm kép khi cử tri cả nước sẽ xem xét và đánh giá cách mà đại biểu của họ lựa chọn và bỏ phiếu như thế nào. Chính vì thế, ngoài việc nghiên cứu hồ sơ, thẩm định báo cáo để nghiên cứu, đánh giá khách quan trọng trách và hoạt động thực tiễn của những người được lấy phiếu tín nhiệm, điều mà mỗi đại biểu cần là phải tham khảo thêm thông tin từ nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau để có một cái nhìn chính xác, đầy đủ, trung thực, khách quan, công bằng. Chỉ khi có đủ thông tin, các đại biểu mới có thể đánh giá chính xác và thể hiện được quan điểm, chính kiến cũng như trách nhiệm lớn lao của mình trước Quốc hội, trước nhân dân.

Có rất nhiều câu hỏi đã được phóng viên các cơ quan báo chí đặt ra cho các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này. Điều đó cho thấy, dư luận và cử tri nói chung đang rất quan tâm đến việc đại biểu của họ sẽ lọc và kiểm chứng thông tin như thế nào để thể hiện vai trò, trách nhiệm của của mình thông qua lá phiếu. Đây cũng là điều dễ hiểu khi nguồn thông tin về một sự kiện, vấn đề hay một cá nhân nào đó hiện đang được thể hiện ở rất nhiều góc độ khác nhau, trên nhiều kênh thông tin khác nhau và điều cơ bản là, không phải thông tin nào cũng đúng, cũng chính xác mà sự lệch chuẩn và cố tình lệch chuẩn về một cá nhân nào đó, sự việc nào đó vẫn dễ dàng tìm thấy, nhiều nhất là trên các trang mạng xã hội.
 
Tất nhiên là kiến thức, trình độ, vị trí và vai trò của mỗi cá thể là khác nhau khi tự mình lượng giá và kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Và suy cho cùng, theo như ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, mục tiêu lấy phiếu là làm cho mọi người nghĩ đến trách nhiệm nhiều hơn. Nhất là khi điều này một lần nữa xác lập niềm tin của người dân vào vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội.
Hạnh Nhi