Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự Hội nghị APEC. (Ảnh: TTXVN)
Mối quan hệ đặc biệt giữa Nga và Việt Nam được thiết lập vào năm 2012, khi hai bên nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Sau ba năm, cũng chính Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký hiệp định về thành lập khu vực thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU, gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) và thỏa thuận này đã có hiệu lực cách đây hơn một năm.
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Nga và Việt Nam ngày càng được khẳng định khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bốn lần đến Việt Nam, trong đó gần đây nhất là chuyến đi của ông Putin đến Đà Nẵng để tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong hai ngày 10-11/11 vừa qua.
Về mức độ mối quan hệ với Việt Nam cũng được chứng minh bằng mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga (VTsIOM), trong ASEAN, người dân Nga biết nhiều nhất tới Việt Nam. Giám đốc Trung tâm VTsIOM Valery Fedorov nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia được người Nga biết đến nhiều nhất trong số các quốc gia ASEAN và đây là điều không phải bàn cãi.
Theo ông Fedorov, để đưa ra nhận định này, Trung tâm VTsIOM đã đánh giá tất cả các yếu tố như du lịch, hàng hóa, văn hóa, mối liên hệ giữa con người và vai trò chính trị trên thế giới. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center), 83% người dân Việt Nam có tình cảm với nước Nga, một trong những mức cao nhất trong số các quốc gia trên thế giới.
Bài viết cũng cho biết trong bối cảnh áp lực của các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và phương Tây, Nga đã tăng cường chính sách kinh tế hướng Đông của mình. Và cầu nối cho sự hợp tác kinh tế của Nga với các quốc gia Đông Nam Á chính là Việt Nam. Theo bài viết, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhiều lần nhấn mạnh sẵn sàng đóng vai trò cầu nối và điều này là hoàn toàn có khả năng bởi vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong khối ASEAN.
Sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong khối. Điều đặc biệt quan trọng là bước đột phá về kinh tế của Việt Nam sau khi thực hiện chính sách “Đổi mới” từ hơn 30 năm trước và điều này đã giúp Việt Nam duy trì mức tăng trưởng GDP trung bình trên 6%/năm, đưa Việt Nam từ một nước nghèo thành một lực lượng kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á.
Việt Nam cũng theo đuổi chính sách hội nhập kinh tế trong hệ thống khu vực. Hiện các quốc gia ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Nếu trước đây, Việt Nam gần như không xuất khẩu vốn thì hiện nay, đầu tư từ Việt Nam sang các quốc gia khác trong hiệp hội đã đạt mức độ đáng kể. Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang hoạt động tích cực ở các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar. Bài báo nhận định vai trò của Việt Nam cả về chính trị và góc độ kinh tế đã gia tăng đáng kể trên thế giới trong vài thập kỷ gần đây.
Tuy nhiên, trong khi các mối quan hệ chính trị và nhân đạo giữa Việt Nam và Nga đạt mức độ rất cao thì hợp tác kinh tế lại chưa đáp ứng được mong đợi của hai bên, điều đã được lãnh đạo hai nước nhiều lần nhắc tới. Phó Thủ tướng thứ nhất Liên bang Nga Igor Shuvalov cho rằng hai nước cần phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế. Hồi tháng Sáu vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Liên bang Nga, hai bên đã nhất trí về hơn 20 chương trình đầu tư chung với tổng trị giá khoảng 10 tỷ USD./.
Theo Vietnam+