Hội nghị đang diễn ra. Giữa không gian yên lặng, nghiêm túc, bỗng vang lên tiếng “tách, tách...” nghe rất khó chịu. Tôi đưa mắt. Trời ạ, một đồng chí nhà ta ở cấp lãnh đạo sở đang vừa họp vừa thò chân cắt móng thản nhiên như ở nhà mình. Nhiều người cùng đưa mắt nhìn và tỏ ra rất khó chịu, nhưng đồng chí nọ hình như quá tập trung vào “chuyên môn” nên vẫn tiếp tục kỳ hết cả bộ móng mới thôi.

Tại một số hội nghị khác, lẽ ra điện thoại phải để chế độ rung, muốn nghe thì phải tế nhị, chớp nhoáng, còn không thì nên ra ngoài. Phép lịch sự nó thế chứ chưa cần kể nguyên tắc. Vậy nhưng không phải một mà... một cơ số đồng chí vẫn để điện thoại reo vang. Rồi khi có cuộc gọi đến lại oang oang trao đổi hết sức tự nhiên chủ nghĩa, xem người xung quanh tất thảy như điếc như đui (!)

Tôi cũng có biết một vài đồng chí có cương vị nhất định, nhưng khi nhậu nhẹt, ăn uống vào thì phong thái, nói xin lỗi, còn hơn cả... “cao bồi”. Thôi thì văng tục, giương oai, thậm chí còn cả suýt đánh lộn với người ngoài mới ngao ngán! Cũng may là bây giờ các vị này đã lui về “vui thú điền viên”, cán bộ cũng đỡ tai tiếng.

Rồi còn là chuyện bồ nhí, con rơi, vợ bé,... Sợ “miệng nhà quan” nên không, hoặc chưa ai nói. Song cơ quan ai cũng biết cả. Có người thì “tự lộ” khi đang đương chức, có người về hưu, có người “quy tiên” thì chuyện vỡ lỡ. Và cho dù “tiến độ” thế nào thì cũng đều để dư luận chẳng mấy hay ho.

Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đang diễn ra, khi bàn đến vấn đề tinh giản bộ máy, đại biểu cũng đã nêu lên tình trạng nhiều cán bộ có những việc làm, những phát ngôn “không thể hiểu, không thể chịu nổi”. Nói chung là không xứng đáng mang danh cán bộ chứ nói gì đến vai trò lãnh đạo.

Trong một lần trò chuyện với một nhà nghiên cứu văn hóa có tên tuổi, ông bảo, nhiều người hiểu chưa hết câu nói của Bác Hồ. Bác nói “cán bộ là công bộc của dân”, nói như vậy là yêu cầu người làm cán bộ phải hết lòng hết sức làm hết trách nhiệm của mình. “Việc gì lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân thì phải hết sức tránh...”. Nói cán bộ là “đầy tớ của dân” là nói về trách nhiệm, còn về phong thái, về nhân cách thì cán bộ phải là “phụ mẫu chi dân”. Người cán bộ cần phải có đạo đức, phải có thái độ cư xử, có nhân cách hướng thượng, chuẩn mực, xứng đáng là tấm gương để người dân nhìn vào người ta thấy nể trọng, thấy cần phải học tập, phải noi theo.

Cuộc trò chuyện với ông cũng đã lâu lâu, nhưng sao mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn thấy ý vị trong lòng.

Huy Khánh