Với đất nước có 3 phần là núi, 4 phần là biển, 1 phần đất liền và bờ biển dài trên 3 nghìn km chạy suốt từ bắc chí nam, Việt Nam là quốc gia mạnh về biển và sẽ làm giàu từ biển. Nhận thức được tầm quan trọng của biển, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển khai thác nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, như chương trình đánh bắt xa bờ, phát triển hậu cần nghề cá trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội có nhiều việc làm động viên các lực lượng ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương, hỗ trợ ngư dân và người dân sinh sống trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc như: Góp đá xây dựng Trường Sa, tấm lưới nghĩa tình, trao tặng quà cho những ngư dân gặp nạn trên biển...

 

Cùng với bờ biển dài trên 100km, có nhiều bãi biển đẹp, Thừa Thiên Huế còn có hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, đa dạng sinh học, có nhiều loại đặc sản quý hiếm. Biển, đầm phá gắn bó hàng chục nghìn người dân của các huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc. Với sự quan tâm của Nhà nước, trong những năm qua, tỉnh nỗ lực phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ hàng nghìn chiếc; đầu tư phát triển bền vững các khu vực nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; đầu tư phục hồi các rừng ngập mặn; khai thác tiềm năng các bãi biển một cách bền vững, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy vậy, để khai thác hiệu quả, bền vững các tiềm năng của biển đảo, cùng với việc vươn khơi xa, tăng năng lực khai thác, chúng ta còn có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển đảo. Đặc biệt, thời điểm hiện nay, khi các quốc gia láng giềng có những tranh chấp, đòi hỏi vô lý về chủ quyền đối với biển đảo nước ta thì việc chung sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là công việc vô cùng quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mỗi người dân thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực.

Hoàng Giang