Ông có thể giới thiệu về Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam?

Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (FFAV) được triển khai từ năm 2001 bởi Liên đoàn bóng đá Na Uy. Đến nay, đã có 147 CLB bóng đá với hơn 16.000 cầu thủ “nhí” (50% nam và 50% nữ) tham gia. Riêng với Thừa Thiên Huế, chúng tôi đón nhận FFAV với mong muốn tận dụng sân chơi này để hỗ trợ giáo dục toàn diện cho học sinh.
 
Sau 10 năm hợp tác, phía bạn đã giúp ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế có được hệ thống sân bãi cho môn bóng đá mạnh nhất Việt Nam. Hiện, Thừa Thiên Huế có 138 câu lạc bộ bóng đá phong trào dành cho học sinh tiểu học và THCS. Điều đáng nói là các câu lạc bộ này hoạt động hiệu quả, không chỉ tạo ra sân chơi bóng đá vui mà còn có giá trị giáo dục kỹ năng sống bằng những hoạt động đi kèm… góp phần không nhỏ vào việc xây dựng trường học thân thiện, giảm thiểu học sinh bỏ học ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và hướng tới bình đẳng giới.
 
Ngoài bóng đá, các em còn được tham gia những hoạt động gì khi dự Cúp FFAV 2013 ?
 
Tham dự Cúp FFAV2013 có 320 đội bóng (202 đội bóng U 12; 103 đội bóng U15, 15 đội bóng khuyết tật) đến từ các trường học, Trung tâm bảo trợ xã hội của Việt Nam, Thái Lan và Lào. Với 3.150 vận động viên, hơn 1.000 huấn luyện viên, săn sóc viên, tình nguyện viên, trọng tài, giám sát và hướng dẫn viên kỹ năng sống.
 
Ngoài lực lượng hùng hậu của Thừa Thiên Huế, FFAV 2013 có sự tham gia của 8 đội từ 8 CLB thành phố Hải Phòng; 5 đội từ tỉnh Tiền Giang, 2 đội từ tỉnh Quảng Trị, 3 đội của tỉnh Mukdahan (Thái Lan), 3 đội của tỉnh Savanakhet, 2 đội của tỉnh Salavan (Lào). Với sự quần tụ khá phong phú này, đây thực sự là ngày hội bóng đá lớn chưa từng có của học sinh Thừa Thiên Huế.
 
Trong 4 ngày tranh cúp, các em sẽ được chơi bóng trên 23 sân bóng tại Huế. Nơi ăn nghỉ của các em cũng được đặc biệt quan tâm với 24 khách sạn du lịch trong thành phố Huế. Theo kế hoạch, xen kẽ giữa các trận đấu, các em đã tham gia các trò chơi giáo dục kỹ năng sống như vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, tinh thần đồng đội, an toàn giao thông, tránh bom, mìn. Các hoạt động này không chỉ giúp các em xích lại gần nhau trong những ngày hè sôi nổi mà còn tạo cho các em những kỹ năng tự bảo vệ mình trong cuộc sống.
 

Cùng ra sân
 
 Ông kỳ vọng gì vào Cúp FFAV 2013?
 
Với những người làm công tác giáo dục, đứng trước mỗi mùa hè chúng tôi rất lo âu. Không phải không tin vào sự quản lý của gia đình, khu dân cư, mà là chúng ta phải nhìn vào thực tế là học sinh nói riêng và thanh thiếu niên nói chung hiện đang rất thiếu sân chơi, không chỉ cho các em vùng khó mà ngay cả ở các khu trung tâm, thành phố, thị trấn…
 
Với quy mô lớn và lợi thế nghiêng về “đội nhà”, Cúp FFAV 2013 là một sự kiện thể thao lớn của học sinh trong tỉnh. Trong dịp này, chúng tôi tạo điều kiện để các đội bóng tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; đặc biệt là tạo điều kiện giới thiệu các danh lam thắng cảnh của Huế với học sinh trong tỉnh, tỉnh bạn và các bạn Lào, Thái Lan...

Xin cám ơn ông.

Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trưởng ban chỉ đạo Cúp FFAV:

“Việc tổ chức Cúp bóng đá cộng đồng lần này đánh dấu sự bền vững và hiệu quả của Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam sau 10 năm hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến với sự kiện đặc biệt này, các học sinh-cầu thủ không chỉ tham gia vào các hoạt động bóng đá vui không cạch tranh mà còn có cơ hội tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, thăm các di tích lịch sử, hiểu thêm về văn hóa, con người xứ Huế trong suốt thời gian tham dự”.

 

Hương Giang (Thực hiện)