Nhìn lại chặng đường đã đi qua, thầy và trò ngôi trường tiểu học với bề dày thành tích nằm trên con đường Ngô Quyền vẫn không thể hài lòng, và xem đó chỉ là bước đệm ban đầu. Mỗi dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, các thầy cô giáo lại tự nhắn nhủ rằng, còn nhiều việc đang chờ ở phía trước.

Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Ninh trong một giờ sinh hoạt tập thể ngoài trời

Sân trường những ngày này rộn ràng hơn những ngày thường. Niềm vui của một mùa mùa lễ tôn vinh nghề dạy học như thể hiện rõ trên những khuôn mặt của công việc “yêu nghề, mến trẻ”, rồi học sinh quây quần trong tiếng nhạc kỉ niệm ngày lễ đặc biệt. “Vui thật, nhưng vẫn còn nhiều việc đang chờ phía trước”, cô giáo Nguyễn Ngọc Minh Trang, hiệu trưởng nhà trường tâm sự. Cô Trang cho biết, năm học 2017-2018 toàn trường có 36 lớp với tổng 1.395 học sinh. Năm học này cũng là năm học đầu tiên được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh toàn trường với tỉ lệ 100% thay vì 80% như các năm trước. 

Để làm được điều đó, nhà trường phải nổ lực tập trung đầu tư nguồn kinh phí cho việc xây dựng, cải tạo thêm các phòng học và các trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh (PHHS) yên tâm công tác, nhà trường đã có kế hoạch huy động nguồn kinh phí của cha mẹ học sinh có nhu cầu cho con em tham gia bán trú để đầu tư thêm cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bán trú cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Đây là điều mà PHHS mong đợi ở nhà trường từ lâu nay. Tất cả học sinh học bán trú còn được tiếp cận với các hoạt động trong giờ nghỉ trưa như xem tivi, đọc sách, nghe nhạc, tham gia các trò chơi dân gian... thiết thực và bổ ích.

Không dừng lại đó, trường còn đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT, kế hoạch của sở và phòng. Tiếp tục thực hiện dạy học Tiếng Anh tự chọn 2 tiết/tuần đối với học sinh lớp 1, 2; dạy học Tiếng Anh của Bộ 5 tiết/tuần đối với học sinh lớp 3, 4, 5 và tăng thời lượng 2 tiết/tuần cho học sinh toàn trường thông qua việc hợp tác với trung tâm Anh ngữ Quốc tế AMA theo phương thức tự nguyện của PHHS. Học sinh cảm thấy hứng thú khi được học với những thầy cô giáo là người nước ngoài. 

Với truyền thống dạy tốt học tốt, nhiều năm liền thầy và trò Trường tiểu học Vĩnh Ninh đã đạt nhiều thành tích cao trong công tác dạy và học. Toàn trường có tỷ lệ học sinh được khen thưởng thực hiện tốt các hoạt động giáo dục và rèn luyện. Trong các cuộc thi và giao lưu Olympic cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp Quốc gia các môn tiếng Việt, toán, tiếng Anh, tin học, giải toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng... học sinh đều đạt giải cao. Đặc biệt tham gia các kì thi cấp quốc tế, quốc gia học sinh đạt nhiều huy chương với vị thứ xếp hạng đầu.

Với quá trình để trường trở thành trường chuẩn quốc gia theo lộ trình vào năm 2020, vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra

“Để có được kết quả đó, trường thường xuyên chú trọng, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên và đổi mới phương pháp dạy và học”, cô Trang khẳng định và cho biết, trường sẽ luôn đổi mới cách dạy và học, tiếp tục tổ chức các chuyên đề, kết hợp dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và chương trình giảm tải mới, dạy học theo đối tượng học sinh nên chất lượng dạy và học của trường không ngừng nâng lên. Bên cạnh đó, tập trung đến các hoạt động giáo dục ngoại khóa: Câu lạc bộ các môn học, tham quan trải nghiệm thực tế, hội chợ trường học... nhằm phát triển năng lực, tăng cường kĩ năng sống cho học sinh. 

Ngoài ra, điểm đặc biệt của trường chính là công tác giáo dục học sinh khuyết tật. Hiện nay, trường có 2 lớp với tổng số 36 học sinh chuyên biệt với 4 giáo viên chuyên trách. Nhà trường luôn quan tâm việc dạy học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho các em. Do là học sinh chuyên biệt nên trường luôn quan tâm kêu gọi các tổ chức tài trợ, kêu gọi các nhà hảo tâm tặng quà vào những dịp lễ, Tết. Từ đó, tạo cho các em một môi trường hòa nhập bình đẳng. 

Theo kinh nghiệm nhà trường, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, cơ sở vật chật, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy, học cũng không hề kém. Về cơ bản, các phòng chức năng, bộ môn của nhà trường đảm bảo được việc dạy và học. Nhưng với quá trình để trường trở thành trường chuẩn quốc gia theo lộ trình vào năm 2020, vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra.

Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch thực hiện trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khó khăn về quỹ đất, thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn, diện tích sân chơi bãi tập vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học sinh. Trước thực trạng đó, trường đang gấp rút xây dựng kế hoạch đến năm 2020 đảm bảo theo chuẩn số lớp, số học sinh/lớp theo quy định. “Trước những khó khăn ấy, trường vẫn luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sở, ngành nên việc tiến đến trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình là có cơ sở. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để không phụ lòng mong mỏi của phụ huynh, học sinh và đặc biệt là phát triển nền giáo dục của tỉnh và thành phố”, cô Trang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Nhật Minh