Thu hoạch tràm tại diện tích trồng thông trước đó.
Đã có tờ trình xin chuyển đổi
Có mặt tại khu rừng được cho là trồng thông ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, chúng tôi quan sát thấy cây trồng chủ yếu là cây tràm, không còn “bóng dáng” cây thông nữa. Tại các rẫy trồng tràm, dễ dàng thấy các dấu vết của rừng thông là các gốc cây phần lớn đã bị mục nát. Theo một người dân sống gần đó, trước đây, các rẫy tràm này bạt ngàn cây thông. Đại diện HTX An Nong 1 (đơn vị được giao quản lý diện tích rừng thông) cũng xác nhận, hiện tại thông chỉ còn lại khoảng vài cây.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc HTX An Nong 1 cho biết, khu rừng thông 164,2 ha được trồng từ những năm 1978 – 1979, theo dự án PAM, sau đó toàn bộ diện tích giao cho HTX quản lý. Qúa trình quản lý và chăm sóc rừng thông trong thời gian dài nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, tốn nhiều chi phí chăm sóc và phòng cháy chửa cháy rừng. Đến năm 2004, HTX lập phương án tỉa thưa rừng thông, trình UBND huyện và được chấp thuận. Năm 2005, UBND huyện có quyết định giao khoán toàn bộ diện tích cho các xã viên chăm sóc trong thời gian 50 năm. Đến năm 2006, toàn bộ diện tích chính thức giao khoán cho 95 xã viên, mỗi hộ từ 1-3ha.
Năm 2006, bão Xang Sane gây thiệt hại, gãy đổ hết 30% diện tích rừng thông. Năm 2009, thêm cơn bão Ket Sana gây thiệt hại gãy đổ 40% diện tích còn lại. Đến năm 2013, cơn bão Hai Yan tiếp tục gây gãy đổ 20%.
Tất cả những lần thiệt hại đều lập đoàn kiểm tra, có biên bản xác nhận của các bên liên quan và có báo cáo với UBND xã Lộc Bổn. Trong quá trình cây thông bị gãy đổ, người dân đã tiến hành trồng thay thế bằng cây tràm. Trong hợp đồng giao khoán có nội dung, các diện tích đất rừng còn trống, người dân có thể trồng các cây khác có giá trị để thay thế.
Theo Chủ nhiệm HTX An Nong 1, quá trình thay thế cây thông bằng cây tràm là chưa đúng quy định nên năm 2014, HTX đã có tờ trình gửi UBND xã Lộc Bổn và UBND huyện Phú Lộc xin thanh lý số rừng thông còn lại và tiến hành chuyển đổi lại hình thức quản lý cho phù hợp. Tính đến nay đã 3 năm từ ngày gửi tờ trình, HTX vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo từ UBND huyện và các cơ quan liên quan.
Chưa có văn bản trả lời
Thông tin từ ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định của Chính phủ, đối với rừng sản xuất thì đơn vị quản lý có thể thay đổi loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây đã được chọn trồng trước đó nên có thể chuyển đổi cây tràm thay thế cây thông, nếu hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Võ Đại Thắng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn nói, toàn bộ diện tích rừng ở Lộc Bổn là rừng sản xuất, không có rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng. Dù vậy, việc chuyển đổi cây trồng trên đất sản xuất, cụ thể 164,2ha ở Hòa Vang phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Ông Thắng cho biết: “Sau khi HTX An Nong 1 có tờ trình, năm 2015, UBND xã có thêm tờ trình gửi UBND huyện với nội dung như trên và đề xuất sớm có chỉ đạo. Tuy nhiên, đến hiện tại xã chưa nhận được các văn bản chỉ đạo nào của UBND huyện”.
Ông Nguyễn Thanh Nhã khẳng định, do chưa nhận được bất kỳ sự chỉ đạo nào từ các cấp nên quá trình giao khoán vẫn được áp dụng như trong hợp đồng từ năm 2005.
Xét về hiệu quả kinh tế, cây tràm có hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng thông. Việc thay đổi cây tràm ở 164,2 ha rừng ở Lộc Bổn phù hợp với nhu cầu và thực trạng sử dụng. Tuy nhiên, điều chưa đúng là HTX đã thay thế cây trồng khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập liên ngành để thanh tra sự việc. Riêng nội dung HTX An Nong 1 và UBND xã Lộc Bổn thông tin đã gửi tờ trình cách đây 3 năm, ông Mạnh cho biết sẽ kiểm tra lại vì thời gian cũng đã khá lâu.
Hiện tại liên ngành đang trong quá trình thu thập thông tin và các tài liệu liên quan. Theo ông Huỳnh Văn Liên, Chánh Thanh tra huyện Phú Lộc, do chưa có kết luận cuối cùng nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Bài, ảnh: Đức Quang - Hải Triều