Một học viên tiếp viên hàng không ra hiệu cho hành khách nhảy khỏi cửa thoát hiểm tại lớp học - Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng hàng không, đầu tư cho đội bay, các nước đặc biệt chú ý tới việc đào tạo, huấn luyện phi công, tiếp viên.
An toàn là trên hết
Hồi tháng 6-2017, Thái Lan công bố kế hoạch chi tổng cộng 5,7 tỉ USD nâng cấp cơ sở vật chất hàng không và các đội máy bay để dẫn đầu khu vực về mảng bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay (MRO) vào năm 2031.
Indonesia, vốn có độ an toàn hàng không vào loại tệ, cũng muốn trở thành trung tâm MRO của khu vực với việc thành lập Indonesian Service Hub, một liên danh giữa sáu công ty nhà nước, theo báo Straits Times.
Trong khi đó, Singapore lại đầu tư mạnh vào việc đào tạo phi công. Đảo quốc này hiện đã có bốn trường dạy hàng không, bao gồm một cơ sở chuyên về an toàn và an ninh hàng không. Tháng 4-2016, Singapore Airlines và Airbus đã khai trương trung tâm đào tạo phi công mới ở Khu công nghiệp Seletar Aerospace Park.
Nhân chuyến công tác Malaysia cuối tháng 10, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Spencer Lee, giám đốc thương mại AirAsia, về vấn đề an toàn bay.
Ông Lee cho biết AirAsia đã làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp máy bay Airbus, chính quyền sở tại ở các nước hãng có đường bay đến, giám sát việc đào tạo huấn luyện phi công và tiếp viên để đảm bảo mọi khâu tham gia quá trình vận chuyển đều đặt mục tiêu an toàn là trên hết.
Ông cũng chia sẻ khi hãng hàng không đã làm hết sức mình, hành khách cũng nên nghiêm túc tuân thủ mọi yêu cầu về an toàn bay như kích cỡ hành lý, sử dụng thiết bị điện tử để chuyến bay an toàn nhất có thể.
Chúng tôi cũng đã có dịp tham quan Trung tâm tập huấn bay CAE (cách trung tâm Kuala Lumpur khoảng 60km) để hiểu rõ hơn "an toàn trên hết" đang được quan tâm đến mức nào.
Học nghiêm túc nhưng không mong áp dụng
Tại CAE, phòng học "Mở cửa máy bay" nằm trong khu vực "Thực hành mở cửa máy bay khi có tình huống khẩn cấp" có lẽ là dễ tìm thấy nhất, bởi từ đầu hành lang đã nghe tiếng la hét vọng ra sau cánh cửa đóng.
Lúc bước vào bên trong, chúng tôi bỗng thấy lạnh sống lưng khi tiếng la hét văng vẳng lúc nãy giờ đây rõ mồn một. "Khẩn cấp, khẩn cấp. Cúi đầu xuống. Nhanh lên... Nhanh lên" kèm theo tiếng báo động.
Một chàng trai Malaysia cao ráo đứng cạnh cửa thoát hiểm của chiếc Airbus A320 đặt giữa lớp học liên tục la lớn, phía trên là dãy ghế của các học viên tiếp viên hàng không.
Khi chàng tiếp viên mở được cửa thoát hiểm, căn phòng lại ngập tiếng gió rít (cũng do hệ thống mô phỏng như thật). "Nhảy đi... nhảy đi" - anh tiếp tục giục, tay vẫy liên tục.
Cuối cùng, nam tiếp viên chạy một vòng kiểm tra lại khoang bay và nhà vệ sinh một lần nữa trước khi nhảy ra khỏi cửa thoát hiểm, kết thúc phần thực hành trong tiếng vỗ tay của giảng viên, bạn cùng lớp và đoàn khách đến từ Việt Nam chúng tôi.
Sau bài thực hành của học viên, giảng viên của lớp, cô Aishah Salleh, thị phạm động tác một lần nữa. Căn phòng nhỏ lại vang rền tiếng báo động và tiếng la hét khẩn cấp của cô Salleh, chuyên viên hướng dẫn an toàn bay nhiều kinh nghiệm của CAE.
Khi chúng tôi hỏi ngày nào cũng sống trong "tình huống khẩn cấp" thế này có sợ không, một nhóm học viên trả lời "chỉ một chút" rồi nói thêm tất cả đều vượt qua nỗi sợ vì yêu nghề và vì "chúng tôi cũng quen rồi".
Theo quy trình, tiếp viên phải đảm bảo hành khách cuối cùng đã nhảy khỏi cửa thoát hiểm an toàn mới được tự cứu mình. Bài học cửa thoát hiểm có lẽ là phần không tiếp viên nào muốn áp dụng trong đời thực dù đã thuộc nằm lòng.
Mở cửa bầu trờiTheo Hiệp định tự do hóa vận tải hành khách giữa các nước ASEAN, cho phép các hãng hàng không của mỗi nước khai thác không hạn chế số lượng chuyến bay đến các nước ký hiệp định. AirAsia hiện là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á với hơn 300 tuyến bay và 127 điểm đến. Việc mở thêm các điểm đến trong khu vực cũng thúc đẩy sự phát triển của các nhà sản xuất máy bay chở khách cỡ nhỏ từ 70-130 chỗ như Embraer của Brazil, Bombardier của Canada và ATR của Airbus đầu tư cùng Finmeccanica của Ý. Những chiếc máy bay cỡ nhỏ này có thể phục vụ một số tuyến đường bay ngắn trong khu vực Đông Nam Á, với lợi nhuận cao hơn so với việc vận hành bằng máy bay cỡ lớn hơn như Airbus A320 và Boeing 737. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính các quốc gia ASEAN có thể tạo thêm gần 25 triệu việc làm và 298 tỉ USD cho GDP khu vực vào năm 2035 nếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng không. |
Theo Tuổi trẻ