Vận chuyển người và hàng hóa khi nước lũ đang lên

Tai nạn thương tâm xảy ra tại thị trấn Phú Lộc vào hôm 20/11 là trường hợp ông Nguyễn Giỏi bị lũ cuốn trôi do lật thuyền khi đang bủa lưới trên sông. Hay mới nhất là chị Nguyễn Thị Thu Trang ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc), trong khi đi làm về vào chiều tối 20/11, gặp nước lũ lên nhanh, chảy xiết, thay vì ở lại cơ quan, hay trú tạm một ngôi nhà nào đó thì chị Trang lại cố “vượt lũ” và đã bị lũ cuốn trôi.

Mới đây, trận lũ đầu tháng 11, cháu bé chỉ mới 4 tuổi ở xã Phong An (Phong Điền) bị chết đuối rất thương tâm. Nguyên nhân do cha mẹ mải lo công việc, phòng ngừa lũ, lơ là, thiếu sự quan tâm bảo vệ con cái đã để nước lũ cuốn trôi con mình...

Các trận lũ đầu tháng 11 làm 12 người chết và 3 người bị thương, đợt lũ mới này tính đến ngày 21/11 có hai người chết, mất tích là hồi chuông cảnh báo cho sự chủ quan, lơ là khi nước lũ dâng cao, chảy xiết. Hầu hết các trường hợp chết đều do bất cẩn, chủ quan trong đi lại, bơi thuyền, đánh bắt thủy sản, vớt củi trên sông... Trong những trận lũ vừa qua, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân vô tư chèo xuồng vận chuyển người và hàng hóa đi lại ngay trong lũ, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ý thức, sự chủ quan của người dân, việc để số người chết do lũ cuốn khá cao một phần cho thấy công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân chưa được quan tâm đúng mức. Hay công tác tuần tra, ngăn chặn người dân đi lại, đánh bắt thủy sản... khi nước lũ dâng cao, chảy xiết tại một số địa phương thiếu quyết liệt.  

Chèo xuồng đi lãi trong lũ rất nguy hiểm

Phương châm “tự quản tại chỗ” được tỉnh bổ sung cách đây vài năm nhằm chủ động bảo vệ an toàn tính mạng người dân trong mùa bão lũ. Đã đến lúc các địa phương, ban ngành cần phải “rắc lại” phương châm này khi mưa lũ, thiên tai ngày càng khó lường .

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, phương châm “tự quản tại chỗ” được tỉnh hết sức lưu ý và chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện nhằm bảo vệ an toàn tính mạng người dân. Yêu cầu đặt ra của phương châm là chính quyền địa phương, trưởng thôn, tổ dân phố... phải quản lý, bảo vệ người dân; cha mẹ quản lý, bảo vệ con cái; trường học, thầy cô bảo vệ học sinh; các cơ quan bảo vệ cán bộ, công nhân viên...

Chính quyền địa phương, các ban ngành phải tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về sự nguy hiểm đến tính mạng trong mùa bão, lũ. Các lực lượng chức năng về tận khu dân cư, từng hộ gia đình, các vùng xung yếu, điểm nóng để túc trực, tuần tra, ngăn chặn người dân chủ quan đi lại, đánh bắt thủy sản, vớt củi... khi nước lũ dâng cao, chảy xiết nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người trong mùa bão, lũ, thiên tai.

Bài, ảnh: Hoàng Triều