Tự quản tại chỗ

Điểm lũ đầu tiên chúng tôi đến là xã Quảng Phước (Quảng Điền). Vừa kiểm tra tình hình mưa lũ trở về, ông Lê Đức Ưa - Bí thư Đảng ủy xã cập nhật cho chúng tôi những thông tin sơ bộ của địa phương vùng trũng này.

Người dân vùng lũ Quảng Điền di chuyển bằng thuyền không có bảo hộ rất nguy hiểm

Toàn xã có gần 300 hộ dân bị ngập sâu từ 0,2 - 0,8m, tập trung ở các thôn Thủ Lễ 2, Thủ Lễ 3, Mai Dương. Đa số nước đã tràn vào nhà các hộ dân. Trong đó, có 15 hộ phải di dời lên các nhà cao tầng hàng xóm. Đến chiều 21/11, nước sông Diên Hồng đã “chững” lại.

 “Nhờ thực hiện tốt công tác tự quản tại chỗ nên hiện tại tình hình mưa lũ tại Quảng Phước vẫn chưa có thiệt hại lớn. Chúng tôi đang tính phương án nước rút sẽ phân công cán bộ, lực lượng dân quân về từng thôn giúp dân khắc phục lũ lụt, ổn định sản xuất”, ông Ưa nói qua màn mưa.

Được bố trí thuyền máy với áo phao, chúng tôi cùng cán bộ UBND xã đến với bà con xóm Rào. Thuyền men theo bờ sông Diên Hồng, nước lũ trắng cả một vùng quê. Từ bên này sông Diên Hồng, bà con còn đi lại được chứ 20 hộ dân ở xóm Chùa dường như bị chia cắt hoàn toàn.

Chị Trần Thị Huế ở xã Quảng Phước cho hay, mực nước lũ vào sáng 21/11 lên khá nhanh, cao hơn ngày trước đến nửa mét. Hôm qua nước chỉ ngấp nghé ngoài đường, nay đã tràn vào nhà. Tất cả mọi thứ vật dụng phải đưa lên “tra”, nếu có lệnh của chính quyền địa phương sẽ sơ tán, di dời người và tài sản lên vùng an toàn.

Với phương châm “sống chung với lũ”, gia đình chị Huế đã dự trữ 1 tạ gạo, 5 thùng mì ăn liền và các loại nhu yếu phẩm, xăng dầu, đèn sáp. Lượng lương thực, thực phẩm dự trữ trên đảm bảo đời sống gia đình (6 thành viên) từ 10 ngày đến nửa tháng. Khó khăn lớn nhất lúc này là mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều bị ngừng trệ, người dân không có thu nhập.

Trên hệ thống loa đài phát thanh thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đề cao cảnh giác, không chủ quan, không lội lụt, vớt củi, đánh bắt thủy sản khi nước lũ dâng cao. Các thôn tích cực triển khai phương châm “tự quản tại chỗ” (trưởng thôn giám sát quản lý Nhân dân, cha mẹ quản lý con cái, thầy cô quản lý học sinh...).

Ngập nặng trên diện rộng, sản xuất, đời sống thiệt hại lớn

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, toàn huyện có hơn 2.000 nhà bị ngập sâu từ 0,2- 0,6m; mưa lớn cũng làm chia cắt, các tuyến đường tại các xã Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, thị trấn Sịa, nơi ngập sâu nhất gần 1m. Các thành viên của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cùng cán bộ cơ sở luôn ứng trực ở những điểm ngập sâu, những vùng nguy cơ sạt lở di dời dân để có phương án triển khai kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Vùng 'rốn lũ' Quảng Phước làm tốt công tác tự quản

Điều mà các địa phương, ban ngành quan tâm lúc này là bảo vệ an toàn tính mạng Nhân dân. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, cùng các địa phương cử thành viên, phương tiện ứng trực tại các điểm “nóng”, khu vực nước sâu, chảy xiết để ngăn chặn người dân qua lại và kịp thời ứng cứu khi có sự cố.Đáng mừng là đến ngày 21/11, trên địa bàn huyện chưa xảy ra tình trạng người dân bị thương, chết đuối do lũ cuốn.

Tuy nhiên Quảng Điền có hơn 300 ha rau màu bị ngập trong đợt lũ trước, nay lại tiếp tục bị ngập có nguy cơ mất trắng. Nhiều diện tích hoa cho vụ tết ở thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ... bị ngập sâu, thiệt hại hoàn toàn. Tại các vùng thấp trũng, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi và hơn 10 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại nặng.

Hơn 1.300 ngôi nhà thuộc các vùng Hòa-Bình-Chương (Phong Điền) bị ngập sâu trong nước từ 0,3 đến gần 2m. Trong đó, xã Phong Chương có 334 nhà, Phong Bình có 700 nhà, Phong Hòa có trên 300 nhà. Mọi con đường đến với vùng này đều bị chia cắt. Nơi sâu nhất là hơn 2m, thấp nhất cũng 0,5m. Phong Chương, Phong Bình là bị ngập lụt nặng nhất.

Trong 1 tiếng đồng hồ lênh đênh trên bao la biển nước, ghe của UBND xã Phong Bình đưa chúng tôi về thôn Tân Bình (Phong Bình), Ma Nê, Phú Lộc (Phong Chương). 100% nhà ở những khu vực này đều ngập lụt và bị chia cắt.

Ông Võ Ngọc Thành, trú tại thôn Tân Bình cho biết, nước bắt đầu lên từ tối 20/11. Do nhà ông bị nước dâng cao gần 2m nên phải dọn lên Nhà cộng đồng thôn Tân Bình để ở. Mọi đồ ăn thức uống, gia đình ông phải đi chợ Điền Hương (cách thôn khoảng 2km) để mua.

Ông Võ Văn Hoãn, Trưởng thôn Tân Bình thông tin, toàn thôn có 58 hộ dân với hơn 270 khẩu. Toàn thôn chỉ có 3 nhà cao tầng, còn lại đều là nhà cấp 4. Mưa lũ đã làm 100% nhà bị ngập trong nước. Nhà ngập sâu nhất là 2m, phải di dời lên những vùng cao.

Tại thôn Ma Nê, 90% nhà bị ngập sâu trong nước, cao nhất là 1m.

Ông Trần Văn Trường, Trưởng thôn Ma Nê cho hay, toàn thôn có 63 hộ, nhưng có đến 28 hộ bị ngập lụt sâu phải di dời. Trong đó, 5 hộ di dời lên ở những hộ cao tầng, 13 hộ phải di dời lên Trường tiếu học Phú Lộc.

Để hỗ trợ khẩn cấp bà con vùng rốn lũ, Phó Bí thư Huyện ủy Phong Điền Ngô Thanh Cường đã về trực tiếp với bà con và hỗ trợ bước đầu 172 thùng mì tôm cho 3 thôn Phú Lộc, Ma Nê (Phong Chương), Tân Bình (Phong Bình).

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, tính đến cuối giờ chiều 21/11, trên địa bàn tỉnh có 2 người chết, 1 người mất tích và 1 người bị thương tập trung ở các địa phương Vinh Mỹ, Lăng Cô (Phú Lộc), Hương Vinh, Hương Toàn (Hương Trà). Toàn tỉnh hiện có 7.689 hộ bị ngập lụt từ 0,2- 0,6m, tập trung ở các địa phương Quảng Điền, Hương Trà. Tuy nhiên, hiện mực nước trên các sông chính đã rút, số hộ bị ngập đã giảm đi nhiều.

Khánh - Triều - Hải