“Đồng hồ thủy sinh” của Trần Thị Trinh

Không cọ màu, giá vẽ, không có những bảng màu sặc sỡ, 24 tác phẩm (trưng bày tại Khoa Sư phạm mỹ thuật từ ngày 20/11) trong triển lãm composition “Vì môi trường xanh” vẫn hút thị giác người xem bởi sự độc đáo, mới mẻ. Lạ bởi tất cả các tác phẩm đều sử dụng chất liệu phế thải. Chỉ bằng sắt, thép phế liệu, nhựa phế liệu, tổng hợp..., các tác phẩm truyền tải sinh động thông điệp về sự sống bị hủy hoại. Sâu xa hơn, các bạn trẻ muốn truyền cảm hứng sáng tạo và lan tỏa lối sống đẹp, có ý thức tận dụng đồ phế thải, bảo vệ môi trường.

ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Khoa Sư phạm mỹ thuật giới thiệu: “Chất liệu sáng tạo tác phẩm đều do sinh viên nhặt nhạnh ở xung quanh. Tận dụng những mẩu thuốc lá, ly nhựa, tôn, dây thép gai cũ, những tấm gương vỡ, nilon... tưởng như vô dụng, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, các em đã sắp xếp, tạo hình khéo léo thành những tác phẩm nghệ thuật 2D, 3D cỡ lớn, phản ánh nhiều chủ đề khác nhau về môi trường sinh thái”.

“Mong manh” của Nguyễn Thị Nga

Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những vật liệu phế phẩm và rác thải trở thành những tác phẩm độc đáo, ấn tượng, khi nhẹ nhàng, lúc gai góc. Nhiều tác phẩm sắp đặt có kích thước lớn, dài đến mười mấy mét được sáng tạo công phu. Lê Thị Duy Linh - sinh viên năm 4 Khoa Sư phạm mỹ thuật chia sẻ: “Các nhu cầu cuộc sống đang biến trái đất trở thành bãi chứa khổng lồ với ngồn ngộn rác thải. Phải xử lý chúng như thế nào khi mà hàng ngày, hàng giờ, lượng rác thải vẫn tăng lên chóng mặt và tốc độ ô nhiễm ngày một trầm trọng? Rác thải, ô nhiễm đang là “gánh nặng” cho trái đất khi nó hủy hoại môi trường sống tự nhiên của con người cũng như các loài động vật. Chúng em thu thập phế liệu, sau đó tái chế thành tác phẩm nghệ thuật như một cách góp phần làm sạch môi trường. Với triển lãm này, chúng em muốn nhắn nhủ mọi người trách nhiệm hơn trong gìn giữ và bảo vệ môi trường trước khi quá muộn”.

“Hủy hoại” của Lê Thị Duy Linh là hình ảnh lá phổi được tạo nên từ sáp và hàng nghìn tàn thuốc lá được Linh nhặt nhạnh ở các quán cà phê. Hình ảnh lá phổi hao mòn, nham nhở khi bị thuốc lá “bủa vây” trong tác phẩm hẳn khiến những ai hút thuốc sẽ phải giật mình. Tác phẩm “Tuyệt chủng” của Võ Thị Mỹ Linh lại lấy ý tưởng từ những động vật hoang dã quý hiếm bị săn bắt. Mô phỏng hình ảnh khỉ, tê tê, rùa... bị ngâm rượu phục vụ cho con người, tác phẩm lên án hành động tận diệt động vật hoang dã khiến chúng có nguy cơ bị tuyệt chủng.

“Hủy hoại” của Lê Thị Duy Linh

Với “Đồng hồ thủy sinh”, Trần Thị Trinh sử dụng một nghìn cái ly nhựa để tạo hình đồng hồ cát thể hiện môi trường nước bị ô nhiễm. Phía trên, môi trường ngày càng bị ô nhiễm với rác thải, nước bẩn khiến môi trường sống của thủy sinh phía dưới ngày càng bị thu hẹp. Chất thải làm môi trường ô nhiễm và loài vật dưới nước chết dần là thông điệp Trinh gửi gắm qua tác phẩm này. Trong tác phẩm “Mong manh”, Nguyễn Thị Nga lại gợi cho người xem cảm giác mong manh khi sử dụng gương vỡ, quả trứng để tạo hình. Đến cuối cùng, chim cũng không còn rác để làm tổ mà phải làm tổ từ thép gai, đó là lời cảnh báo nếu chúng ta không biết giữ gìn môi trường... Hình ảnh con khỉ nhớ rừng, những con sứa trôi trong biển đen, cá bơi trong môi trường vẩn đục... như lời nhắc nhở mọi người phải chung tay hành động vì môi trường.

Composition là một loại hình nghệ thuật thị giác vừa được đưa vào giảng dạy tại Khoa Sư phạm mỹ thuật. ThS. Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Đây là bài học chính khóa để nâng cao năng lực giảng dạy, hưởng ứng dự án giáo dục bảo vệ môi trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau này sẽ trở thành giáo viên, chính các em sẽ là người truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường cho học trò nên bài học này rất phù hợp, phát huy được năng lực của sinh viên. Qua các tác phẩm, chúng tôi rất hài lòng vì sinh viên đã bám được những vấn đề của cuộc sống đương đại”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN