Nghệ nhân Ngô Đức Phi với nghề điêu khắc gỗ truyền thống

Có duyên được “thụ giáo” nhiều bậc thầy điêu khắc giỏi của làng vào những năm 1980, cùng với bản tính chăm chỉ, tư chất thông minh, 2 năm sau, anh Phi  trở thành thợ giỏi tham gia làm hàng mộc mỹ nghệ xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu như: Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Tiệp Khắc.

Năm 1986, HTX điêu khắc Phong Mỹ đóng cửa vì làm ăn thua lỗ, không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ. Anh Phi cũng như nhiều thợ giỏi của làng phải phiêu bạt khắp nơi để kiếm kế sinh nhai.

Nghệ nhân Ngô Đức Phi nhớ lại: “Những tháng năm gian khó ấy, nhiều thợ mộc, điêu khắc của làng không sống nổi với nghề, đành phải bỏ xứ mà đi”. Cũng chính trong thời gian này, anh Phi vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Năm 1999, anh trở về Mỹ Xuyên với quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương của mình.

Năm 2002, chính sách khôi phục làng nghề truyền thống điêu khắc Mỹ Xuyên đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo động lực thúc đẩy làng nghề phát triển, những thợ giỏi như anh Phi có “đất dụng võ”. Năm 2004, làng nghề điêu khắc Mỹ Xuyên được thành lập, ông Phi là người tiên phong mở xưởng, thành lập doanh nghiệp ở khu quy hoạch làng nghề, trên diện tích 600 m2 và chiêu sinh được 7 thợ. Từ ngày mở xưởng ông đã chú tâm đào tạo lao động, truyền nghề điêu khắc cho lớp trẻ là con em của làng và các vùng phụ cận.

Từ năm 2004 đến nay, nghệ nhân Phi đã đào tạo, truyền dạy được 195 lao động (thời gian đào tạo từ 6 tháng đến 2 năm tùy từng khóa học), đa phần trong số đó đã là “thợ lành nghề” đang hành nghề thành công ở quê hương và các tỉnh, thành như Đắc Lắc, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Quảng Ngãi.

Tiêu biểu trong số học trò do ông Phi đào tạo có Nguyễn Văn Thành (33 tuổi), Lê Thanh Long (27 tuổi), Ngô Đức Phi Hải (23 tuổi)… mà tên tuổi đang được khách hàng gần xa biết đến, đặt hàng với số lượng lớn.

Ông Phi là người có công vận động các cơ sở sản xuất khác trong làng nghề Mỹ Xuyên di dời cơ sở sản xuất đến khu quy hoạch làng nghề theo chủ trương của UBND tỉnh. Đến nay đã có 21 cơ sở, doanh nghiệp di dời đến nơi mới và hoạt động ổn định, ngày càng có hiệu quả.

Riêng ông Phi đã thiết kế và thực hiện nhiều sản phẩm mới phục vụ du lịch, trưng bày ở các hội chợ; tiêu biểu là Hội chợ “30 năm thành tựu kinh tế- xã hội” do Sở Công thương tổ chức năm 2003, tham gia triển lãm trong các kỳ festival, Festival Nghề truyền thống Huế với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, có giá trị nghệ thuật, mỹ thuật và giá trị kinh tế cho đơn vị, làng nghề và được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, sản phẩm của nghệ nhân Phi ngày càng đa dạng về mẫu mã và chủng loại, với khoảng 80-100 sản phẩm khác nhau được chế tác từ gỗ các loại. Trong đó phải kể đến hàng chủ lực là tượng Phật, tượng Quan Vân Trường (Quan Công), Khổng Minh, Phúc-Lộc-Thọ, Lý Thiết Quày, Đạt Ma Sư Tổ, 12 con giáp…

Những sản phẩm giàu tính thẩm mỹ, nghệ thuật đã góp phần đưa tên tuổi của nghệ nhân lên đỉnh cao, đó là: Tác phẩm nghệ thuật lân hóa rồng, cô gái Tây Nguyên, gọi đò, anh hùng tương ngộ…Tác phẩm “Giàn mướp dân dã” và “Tượng cừu” đoạt giải khuyến khích tại  triển lãm “Hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu” năm 2014 do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội.

Nghệ nhân Ngô Đức Phi cho biết: Qua nhiều năm mày mò, nghiên cứu, tôi đã chế tác, khắc thành công tượng Phật nghệ thuật một mặt, và đã được nhiều đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan, Lào đặt hàng với số lượng lớn”. Năm 2016, tôi có 2 tác phẩm nghệ thuật là tượng Phật Tổ ngồi (cao 90 cm) và tượng Phật Tổ nằm (dài 1,2 m) đã xuất sang Ấn Độ.

Sản phẩm từ gỗ được nghệ nhân Phi “thổi hồn” mang nét đặc trưng trong kiến trúc Huế, thể hiện giá trị mỹ thuật với kỹ xảo nghề nghiệp, trình độ chạm khắc điêu luyện và sự phối hợp thuần thục, nhuần nhuyễn, cảm quan thẩm mỹ thông qua bàn tay vàng của nghệ nhân lão luyện Ngô Đức Phi.

Nghệ nhân Ngô Đức Phi đã được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen của UBND huyện Phong Điền, Sở Công thương và UBND tỉnh. Hiện Sở Công thương đang hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để cấp bằng “Nghệ nhân ưu tú” cho ông Phi cuối năm 2017.

Võ Văn Dần