1. Nhớ độ này năm ngoái, khi trời Huế trút những cơn mưa xối xả, các con sông nước trở đục, bạn từ nước Mỹ xa xôi về thăm quê. Vừa tới nhà đã điện thoại í ới gọi ra cái quán bình dân mái lá, giăng mờ ánh điện câu vùng ngoại ô bên sông Bồ quê bạn để cùng thưởng thức món cá diếc hấp rau răm.

Những con cá diếc nhỏ cỡ bằng ba ngón tay nhưng con mô bụng cũng đầy trứng

Những con cá diếc nhỏ cỡ bằng ba ngón tay nhưng con mô bụng cũng đầy trứng được chị gái của bạn mua từ một chiếc thuyền của ngư dân đánh cá trên sông Bồ cho cậu em, bởi biết hồi nhỏ cậu ấy thích ăn nhất vẫn là mấy món cá đồng. Thưởng thức món cá diếc hấp rau răm, bạn gật gù: "Lâu rồi mới được ăn cá diếc quê hương, sao ngon quá. Hay bởi mình xa quê lâu quá nên ăn món chi cũng thấy ngon...".

Lại nhớ có lần đi tác nghiệp ở một xã miền núi phía bắc Huế, xong việc, được bà con ở đây đãi cho bữa cá diếc đánh bắt từ hồ thủy lợi đập Quao hấp với lá mồng tơi. Cá diếc sống lâu năm ở dưới hồ thuỷ lợi con mô con nấy to bằng bàn tay, mỗi con bỏ đầy cả một cái dĩa và tất nhiên, ăn một con mà đã thấy no rồi...

Nhưng nhớ nhất hạng là món cháo cá diếc mạ nấu những ngày đầu mùa mưa năm cũ. Cá diếc cứ mùa mưa về là tức trứng, từ sông bơi vô ruộng từng đàn vào ban đêm. Những người đi làm nghề đặt cái dẹp ở mấy luồng nước chảy. Sáng sớm đổ dẹp có khi cả rổ cá diếc to nhảy đành đạch nhìn thiệt sướng con mắt. Mạ đi chợ sớm mua cá diếc tươi, nấu nồi cháo cá diếc to để đổi món cho cả nhà. Cháo cá diếc nấu đơn giản, gạo hầm thiệt nhừ là thả cá đã làm sạch vô, thêm tiêu, ném, hành, rau răm là xong. Ăn cháo cá diếc phải có chén nước mắm ớt tươi ở giữa mâm để ai thấy cháo lạt, cá lạt thì chan thêm chút nước mắm cho vừa miệng.

2. Làng Vân Trình ven sông Ô Lâu là nơi rốn lũ, khi sông chảy qua vùng này tạo thành một đường cong ôm ấp ruộng đồng, vườn tược rồi sau đó chảy thẳng một mạch ra phá Tam Giang. Cũng vì thế làng này còn có tên là làng Rào (tiếng địa phương gọi sông là rào). Làng Rào và những làng quê ven sông như Siêu Quần, Phò Trạch, Vĩnh An… thấp lé đé. Nước sông luôn mấp mé mặt đường và mưa to thì tràn qua đường. Vì thế nên người ta đã xây một con đê cao hơn mặt đường cả mét để chống ngập cho lúa.

Mùa mưa về, vùng quê bên sông này luôn có đặc sản là các loại cá sông, nhất là cá rô, luôn béo, căng tròn bụng trứng. Và cũng khi mùa mưa về, ở đây thường phải di chuyển bằng những chiếc đò nhỏ và chúng tôi vẫn gọi vui về “tiểu miền Tây Nam bộ”.

Nhớ lần được anh Phú người làng Vân Trình mời về nhà ăn cá rô mùa mưa. Giữa bữa, đang xuýt xoa vì cay, vì ngon, anh Phú nói: “Cá rô thì phải là cá rô đồng mới nhứt xứ. Bởi khi chúng từ sông bơi vô ruộng mới có thức ăn nhiều, là lúa rụng, là những loài côn trùng… Ăn no, ăn nhiều con mô con nấy tròn lẵn”. Anh kể thêm, mấy lối, cánh đồng ven sông Ô Lâu này cá rô bơi ngược nước mưa đầu mùa nhiều lắm, chúng bơi từng đàn trên ruộng nước, bắt ăn không hết. Bây chừ thì cá rô ít dần và bắt đầu thấy quý hiếm… Mà người ở đây vẫn có câu rất hay về các món cá: “Cá bống kho khô, cá rô kho nước”. Cá rô tươi phải ăn có nước mới thưởng được cái vị béo ngậy của nó, cho dù cá rô chiên xù chấm nước mắm chanh ớt cũng là một món ngon!

PHI TÂN