“Trước tình hình mưa sớm, bão nhiều như năm nay, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ diễn biến phức tạp. Ngoài việc cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc bộ và Tây nguyên thì khu vực Trung bộ trong đó có Thừa Thiên Huế cũng đáng quan ngại.Hiện, cả nước có khoảng gần 7.000   hồ chứa các loại, gồm: 64 hồ chứa trên 1 triệu m3 có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, bão. Vì vậy, bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ chứa này là điều không thể chậm trễ. Đặc biệt, trước tình trạng có nhiều hồ thủy lợi xuống cấp, không đảm bảo an toàn như hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi được đặt lên hàng đầu” - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (CTTL) - Tổng Cục Thủy lợi Đặng Duy Hiển cho hay. Liên quan đến vấn để nói trên, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng lưu ý: mỗi địa phương phải nắm rõ từng hồ chứa, diễn biến lên xuống từng mức nước để điều hành. Về lâu dài, các địa phương tập trung các nguồn vốn nâng cấp CTTL.

Song song với nỗ lực triển khai phòng, chống hạn, mặn cho lúa hè thu với những biện pháp cấp bách như hiện nay, việc bảo đảm an toàn hồ chứa trong mùa mưa, lũ 2013 và đủ nước phục vụ sản xuất trong mùa khô năm sau rất được nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác CTTL tỉnh Đỗ Văn Đính khẳng định: Đối với Thừa Thiên Huế, hiện tại việc bảo vệ an toàn hồ chứa trong mùa mưa, bão chưa đáng ngại, nhưng sắp đến, mong UBND tỉnh sớm yêu cầu các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn CTTL trong mùa mưa, lũ 2013 và hướng dẫn, đôn đốc các nơi này thực hiện công tác kiểm tra CTTL trước mùa mưa, lũ năm nay; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa; tổ chức kiểm định an toàn đập để đánh giá mức độ an toàn các tuyến đập và công trình khởi công; có kế hoạch bố trí nguồn vốn để bảo dưỡng, sửa chữa các CTTL hư hỏng nếu có để bảo đảm an toàn khi hồ tích nước và xả lũ...
 
Hiện, mùa mưa, bão cận kề nên trước mắt là các tỉnh Bắc bộ và sau đó, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng cần phải thực hiện ngay việc kiểm tra hiện trạng các công trình đầu mối, các cống, tràn để phát hiện xử lý khắc phục sự cố kịp thời, bảo đảm công trình vận hành bình thường. Đáng chú ý, cần chú trọng đến quy trình vận hành thử các công trình; vì trên thực tế, nhiều công trình khi kiểm tra không cho vận hành thử nên khi bão, lũ xuất hiện thì không thể vận hành... Các cơ quan, đơn vị chức năng cần giao cán bộ kiểm tra tất cả các kho bãi, vật tư dự phòng để phòng, chống lụt, bão; mua bổ sung những vật tư thiếu và mua mới những vật tư hết hạn để đảm bảo có đủ nhân lực và vật tư ứng phó kịp thời khi công trình xuất hiện sự cố. Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Công ty TNHH NN MTV Quản lý và khai thác CTTL tỉnh cần kiểm tra các vấn đề về an toàn hồ đập, CTTL; trong đó, lưu ý phải làm việc với chính quyền cơ sở để nắm thông tin và tuyên truyền đến người dân đang sống trong phạm vi hành lang xả lũ và các hồ chứa, thực hiện kế hoạch di dời khi xảy ra tình huống xấu đối với công trình đầu mối. Đối với tất cả các tình huống xả lũ, Công ty TNHH NN MTV Quản lý và khai thác CTTL tỉnh đều phải thông báo trước 24 giờ cho hạ du để người dân bảo vệ tài sản, mùa màng và kịp thời di dời đến nơi an toàn.
Vĩnh Cự