Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 156 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Mặc dù đã có sự quan tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp và cơ quan quản lý chuyên môn nhưng hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Thừa Thiên Huế (trừ Quần thể di tích triều Nguyễn đã vượt qua thời kỳ cứu vãn, hiện đang được bảo tồn, phát huy ổn định) đang có nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng. Trong công tác tu bổ di tích vẫn còn những bất cập, như việc đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo các di tích chưa được triển khai đồng bộ, nguồn kinh phí ít và dàn trải, thủ tục quá phức tạp khiến các dự án có tổng suất đầu tư một đến vài trăm triệu đồng không thể triển khai. Việc lập thủ tục xin chủ trương, thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích còn chồng chéo, nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian...

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu thảo luận các giải pháp nhằm làm tốt hơn công tác quản lý và phát huy giá trị di tích.

* “100 năm cung An Định” là chủ đề của triển lãm do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khai mạc sáng 23/11, tại cung An Định, hưởng ứng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và kỷ niệm di tích cung An Định tròn 100 tuổi (1917-2017).

Thưởng lãm “100 năm cung An Định”, công chúng có dịp “trở về” với giai đoạn cuối của lịch sử triều Nguyễn, với hoàng đế Khải Định và gia đình hoàng đế Bảo Đại, qua câu chuyện kể từ 100 tư liệu hình ảnh, hiện vật gắn liền cùng các công cụ hỗ trợ, như: bản vẽ, sa bàn, mô hình bằng nghệ thuật xếp giấy Kirigami, thiết bị trình chiếu 3D và ứng dụng thử nghiệm khám phá di tích bằng công nghệ QR code và hình ảnh 3600.

Minh Hiền - Đồng Văn