Theo quy hoạch, CTR thông thường và CTR nguy hại cần phải phân vùng xử lý đảm bảo
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh ban hành các nhiệm vụ, giải pháp và phân công tổ chức thực hiện cụ thể đối với từng tổ chức, đơn vị liên quan. Trong đó, mục tiêu trọng tâm của kế hoạch là song song với việc vận hành các cơ sở xử lý CTR hiện có, từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 phải phân vùng quy hoạch xử lý CTR thông thường và CTR y tế nguy hại.
Trước mắt, trong giai đoạn ngắn hạn từ nay đến năm 2020, các bãi chôn lấp xử lý xuống cấp, không đảm bảo môi trường cần được nâng cấp hoặc đóng cửa bãi rác nếu cần thiết. Đối với các lò đốt CTR hiện đang hoạt động tại các cơ sở xử lý trên địa bàn tỉnh cần tuân thủ theo các quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hiện hành. Riêng các lò đốt đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường hoặc có công suất nhỏ hơn quy định thì từng bước đóng cửa để phù hợp với lộ trình đầu tư xây dựng các khu xử lý tập trung.
Hiện nay, rác thải xây dựng cũng đang là vấn đề bức bách ở nhiều địa phương. Do chưa được quy hoạch bãi xử lý rác thải xây dựng, nên một lượng lớn loại rác này đang gây nhếch nhác, mất mỹ quan và ảnh hưởng đến dòng chảy của hệ thống ao hồ, kênh mương khi đang dần bị các loại xà bần xây dựng lấp kín. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh cũng đề ra kế hoạch tiến tới mỗi đơn vị cấp huyện có 1 bãi xử lý CTR xây dựng khoảng 1ha. Riêng kế hoạch này, vừa qua, TP. Huế đã quy hoạch bãi rác thải xây dựng tại góc giao nhau giữa đường Võ Văn Kiệt với đường Thiên Thai (phường An Tây) và giao Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế đưa vào vận hành quản lý từ đầu tháng 11.
Để từng bước giảm lượng rác cần vận chuyển, xử lý, nhiệm vụ từ nay đến năm 2020 ưu tiên triển khai phân loại rác tại nguồn, thúc đẩy tái chế, tái sử dụng, sản xuất phân hữu cơ tại cộng đồng. Đến năm 2020, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 khu phức hợp xử lý CTR tại Phú Sơn (Hương Thủy) và Hương Bình (Hương Trà). Công nghệ được chọn xử lý tại 2 khu này sẽ là tái chế, đốt, chôn lấp hợp vệ sinh.
Vừa qua, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường, Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa- Thủy Phương đã cùng với chuyên gia Nhật Bản lấy mẫu, phân tích thành phần tro đốt để nếu phù hợp sẽ phối hợp với 2 nhà máy xi măng Đồng Lâm, Luks vận chuyển rác xử lý làm xi măng.
Đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt, công nghiệp, y tế thông thường được gom từ nơi phát sinh đến điểm trung chuyển hoặc thu gom, vận chuyển trực tiếp về các khu xử lý CTR theo quy hoạch của từng vùng. CTR thông thường ở nông thôn được thu gom, vận chuyển theo thời gian quy định đến các khu xử lý đang trong thời hạn vận hành cho đến khi các khu xử lý tập trung được quy hoạch mới đi vào hoạt động.
Chất thải rắn xây dựng phải được chủ đầu tư công trình chịu trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị có chức năng cung ứng dịch vụ thực hiện thu gom, vận chuyển đến các bãi xử lý chất thải xây dựng đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường.
CTR y tế nguy hại và CTR công nghiệp nguy hại phải được phân loại, bảo quản, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh môi trường và theo quy định về quản lý CTR nguy hại. Chủ nguồn thải có trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị có chức năng hành nghề thu gom, vận chuyển CTR nguy hại và được xử lý tại các khu xử lý CTR nguy hại.
Hoài Nguyên