Người tiêu dùng luôn mong được mua hàng hóa có chất lượng, và hàng pháp lam Huế bước đầu chinh phục người tiêu dùng

"Ôi, cam Vinh! Ngon chưa kìa. Tấp vào, tấp vào bác tài ơi, mua ít cân về làm quà cho vui".- Một người trong xe kêu lên khi thấy mấy hàng cam bên đường với tấm biển giới thiệu đề "cam Vinh". Bác tài giảm ga và dợm cho xe tấp vào thì một người khác trên xe đã xua tay : "Ôi dào, Vinh đâu mà Vinh. Toàn cam Trung Quốc đội lốt cả đấy. Mua ăn mà...chết". "Vậy à, thôi, thôi, đi luôn!"-Người đề xuất ghé mua cam hồi nãy nghe vậy quyết "dứt dạt" luôn. Chiếc xe lại tăng ga, bon bon thẳng tiến.

Mới đây, tôi có dịp được làm một chuyến "chu du" miền Tây Nam bộ, rồi lại lên Tây Nguyên, về đồng bằng Nam Trung bộ... Mỗi vùng miền đều có sản vật của mình được bày bán ở các chợ, các quầy hàng, cửa hiệu. Lần đi lần khó, ai cũng muốn tìm mua món gì đó để kỷ niệm, để về làm quà. Nhưng không phải dễ. Không phải dễ không phải vì thiếu tiền, thiếu hàng mà bởi vì cái "kịch bản đồng dạng" cam Vinh lại tái diễn.

Lông đuôi voi ư (mua về để chế tác nhẫn... lấy hên)? Lông...nhựa đó. Có lý, voi đâu mà nhổ lắm lông thế; lại nữa ai cho phép mà nhổ, cho dù là lông ấy mua...lậu.

Hỏi mua mấy cái tượng, mấy cái vòng hạt được giới thiệu chế tác bằng gỗ thủy tùng. Đừng tin, coi chừng bị "thư" đó. Thủy tùng đâu nữa mà làm, có mà thủy...đậu ấy. Mà nếu đúng là thủy tùng thì không có giá ấy đâu!

Thang thuốc Ama Công ngâm rượu ư? Không nên, không nên! Toàn thuốc tào lao cả, về ngâm uống không chừng mà...xuội luôn chừ. Phải biết chỗ quen mới mua đúng thuốc thật!

Rượu Bầu Đá? Chớ có dại mà mua dọc đường nghe chưa, không khéo rượu sắn gia thêm...thuốc rầy!

Tỏi Lý Sơn? Đừng có nghe người ta đường mật, phải nhờ dân thổ địa kia, không thì toàn tỏi dổm mà phải trả giá thật!...

Cứ như vậy, cuối cùng thì có người không mua được gì; hoặc có người chỉ mua được mấy cái...bánh tráng. Người "liều mạng" mua đại một vài thứ thì cũng tiu nghỉu không vui.

Suốt đoạn đường hơn trăm cây số về nhà, tôi cứ vẩn vơ nghĩ, đời cha, đời ông phải lao tâm khổ tứ lắm mới sáng tạo, mới xây dựng và khẳng định được thương hiệu cho một sản phẩm. Đó chính là của "hồi môn" quý nhất, bền vững nhất cho cháu con các thế hệ nối tiếp. Vậy mà hậu thế, có một bộ phận từ người sản xuất, đến người mua bán lại thiếu sự trân quý. Cứ làm ăn theo kiểu chụp giật, sản xuất hàng kém chất lượng, bán mua thì "treo dê bán chó"... Người tiêu dùng mua một lần, lần sau khiếp. Rồi "tiếng dữ" lan nhanh, niềm tin rạn vỡ. Mà mất niềm tin là mất tất cả. Vậy là chính ta hại ta, chính ta triệt đường sống của con cháu chúng ta.

Xây dựng thương hiệu, xây dựng niềm tin đã khó. Bây giờ niềm tin rạn vỡ, hàn gắn, xây dựng lại càng khó bội phần. Khó nhưng cũng phải làm. Hãy bắt đầu với chữ TÍN từ sản xuất đến kinh doanh. Và người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm; phải biết "uốn lưỡi " trước khi buông lời "phán xét" đối với một sản phẩm nào đó nếu thực sự chưa nắm được bản chất của câu chuyện.

Đó là nhân văn, là đạo đức tiêu dùng. Và nếu suy rộng nữa là trách nhiệm với văn hóa, với kinh tế quốc gia.

Bài, ảnh: Huy Khánh