Hiện, trong tổng đàn heo toàn tỉnh, số lượng heo thuộc diện chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ chiếm đến 50%. Người nuôi thường chủ động nguồn giống, “tự cung tự cấp” nguồn heo nái giống.

Các trang trại quy mô nhỏ ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) còn khó khăn khi giá heo hơi ở mức thấp

Bà Nguyễn Thị Hương (huyện Quảng Điền) nuôi 3 con heo nái và 30 con heo thịt, trước khi đầu tư chăn nuôi bà chủ động mua heo nái từ những hộ chăn nuôi khác và kiểm tra chất lượng bằng kinh nghiệm. “Với những người chăn nuôi nhỏ lẻ như tui thì nguồn giống tự chủ động. Quá trình nuôi đôi khi mua lầm giống heo nái dẫn đến heo thịt không đảm bảo chất lượng, kéo theo thu nhập sụt giảm”, bà Hương nói.

Khi quyết định chăn nuôi heo có quy mô trang trại, người nuôi phải bỏ ra số vốn khá lớn từ xây dựng cơ sở vật chất chuồng trại, thức ăn, con giống… Anh Hồ Đăng Định (chủ trang trại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) cho biết, thông thường các trang trại có quy mô trên dưới 500 heo thịt thì thường đặt giống heo nái tại Công ty CP Chăn nuôi CP hay các công ty uy tín khác để đảm bảo chất lượng.

Ông Mai Văn Sĩ, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc chia sẻ, nếu người nuôi chú trọng đến chất lượng đàn heo thịt về sau thì họ sẽ mua giống heo nái ngoại có chất lượng với giá khá cao, đến 2 triệu đồng/con (20kg), song tỷ lệ sống thấp nếu không chăn nuôi đúng cách; đối với heo nái cỏ truyền thống của người dân, với mức giá hiện nay, chỉ cần 300-400 nghìn/con, tỷ lệ sống đạt 90/100 con.

Theo các cơ quan chức năng, hiện công tác phối giống heo của nhiều cơ sở giống và địa phương còn chưa tốt. Người nuôi còn thiếu kiến thức di truyền học, phối giống. Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ cho việc chọn giống còn thô sơ, thiếu đồng bộ và lạc hậu, chưa tiến kịp các nước chăn nuôi tiên tiến dẫn đến nguồn heo giống không đáp ứng yêu cầu, chất lượng heo thịt về sau bị ảnh hưởng.

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thừa nhận, mặc dù huyện Quảng Điền có nhiều trang trại khá quy mô, song ngoài các công ty chăn nuôi thì vẫn chưa có một đơn vị nào cung cấp giống heo nái cho người nuôi. “Người nuôi thường tuyển chọn heo nái giống từ đàn heo mà họ nuôi, và giống heo nái này không nằm trong quy chuẩn để đảm bảo chất lượng. Để người nuôi nắm rõ các phương pháp chọn lựa heo nái giống tốt, hàng năm chúng tôi mở 1-2 lớp truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi, phát hơn 11 ngàn cuốn sách hướng dẫn về quy trình chăn nuôi. Chúng tôi cũng cử các cán bộ chuyên môn về cơ sở giúp dân chọn lựa giống heo nái tốt, loại thải heo nái không đảm bảo, tiến tới nâng cao chất lượng đàn nái”, ông Lự cho hay.

“Hiện, đàn nái trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 600 con. Những con heo nái không đảm bảo chất lượng, người dân cần loại thải, tiến tới quy hoạch đàn nái có chất lượng. Chúng tôi cũng cử những cán bộ chuyên môn cơ sở đến hương dẫn người dân các kỹ thuật phối giống. UBND tỉnh đã có chủ trương tiếp tục hỗ trợ nông dân nuôi lợn nái ngoại và nái F1 để cung cấp con giống chất lượng cao trên địa bàn. Bà con sẽ có nhiều cơ hội phát triển đàn lợn nái, chủ động con giống để phát triển chăn nuôi heo theo hướng bền vững”, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh thông tin.

“Đối với mô hình chăn nuôi điển hình, có hiệu quả, chúng tôi vẫn khuyến khích người dân duy trì. Sau khi thực hiện đề án nâng cao chất lượng đàn heo, kỹ năng chọn heo giống của nhiều người dân cũng được nâng cao. Để đảm bảo chăn nuôi bền vững, người dân cần liên kết với các công ty chăn nuôi có uy tín để được hỗ trợ chuyên môn, đảm bảo được đầu ra ổn định”, ông Sĩ cho biết.

Bài, ảnh: Lê Thọ