Theo đó, việc quy định tạm thời mức thù lao cho hợp đồng nhân viên vụ việc và hợp đồng giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập bị hủy bỏ.

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện tại UBND thị xã Hương Trà đã tạm ngưng trả lương từ tháng 10/2017 và 117 nhân viên cấp dưỡng (nhân viên vụ việc) chỉ nhận lương phần xã hội hóa. Mặc dù nguồn trả lương chỉ có từ nguồn ngân sách hỗ trợ cộng với 70% phụ cấp khu vực, nhưng UBND huyện A Lưới cũng đã tạm ngưng trả lương từ tháng 11. Nhân viên cấp dưỡng của 7 huyện, thị, thành phố còn lại đã được nhận lương đến tháng 11/2017, tuy nhiên, mức phụ cấp và việc đóng bảo hiểm xã hội ở mỗi địa phương là khác nhau. Trong đó, TP. Huế hiện đang có mức trả lương cho đội ngũ này từ 3-3,5 triệu đồng/người; tiếp đến là Hương Thủy với mức lương dao động trong biên độ từ 2,2 đến 3,6 triệu đồng, các huyện còn lại theo thứ tự là Phú Vang (1,8-2,5 triệu đồng); Nam Đông (2,2 triệu đồng); Phú Lộc (1,5-3,5 triệu đồng); Quảng Điền (1,6-2 triệu đồng), Phong Điền (1,8 triệu đồng). Ngoại trừ nguồn trả lương này ở TP. Huế, Hương Thủy và Phú Lộc được xã hội hóa hoàn toàn theo đóng góp của phụ huynh/cháu (theo thứ tự là 80.000-150.000 đồng/tháng; 55.000-70.000 đồng và 40.000 -60.000 đồng); 4 địa phương khác như Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang và Nam Đông có nguồn chủ yếu từ ngân sách huyện cộng với một phần từ đóng góp. Nguồn chi trả này ở Phong Điền và A Lưới hoàn toàn dựa vào ngân sách.

Hướng đến xã hội hóa trong chi trả lương hàng tháng cho đội ngũ cấp dưỡng là một chủ trương đúng, vừa giúp các đơn vị có chức năng năng động, linh hoạt hơn trong việc huy động đóng góp từ xã hội, vừa góp phần vào việc giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, do chưa có một hướng dẫn cụ thể nên các địa phương dù đang cố gắng xoay xở trong giai đoạn đầu nhưng xem ra vẫn còn khá lúng túng khi thực hiện, nhất là khi cơ sở nội lực cũng như nhận thức của người dân là không giống nhau. Bên cạnh đó còn có những yếu tố hay cơ chế đặc thù khác hiện vẫn đang còn được áp dụng ở một số vùng bãi ngang, vùng miền núi và các xã đặc biệt khó khăn…

Trao đổi tại buổi giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cuối tuần vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, đây đang là điều bất cập trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Kinh phí chi trả lương cho nhân viên hợp đồng cho đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp hiệu quả và các cơ sở hiện vẫn rất loay hoay vì chưa biết trả lương bằng và theo hình thức nào.

Vấn đề mà ông Nguyễn Ngọc Sơn muốn đặt ra ở đây là do tỷ lệ cấp dưỡng/học sinh chưa đảm bảo nhưng đây lại là đội ngũ làm việc gần như cả ngày, công việc không đơn thuần… nên dễ ảnh hưởng đến tâm lý, phát sinh tư tưởng và từ đó là những hệ quả khác về tinh thần phục vụ và chất lượng bữa ăn cho trẻ khi ở trường.

Những đề nghị, hướng đề xuất và làm thế nào để có sự đóng góp, huy động tốt hơn từ các nguồn lực xã hội là điều cần được thảo luận, ở những cấp độ khác nhau để tìm giải pháp không chỉ cho chất lượng bữa ăn của trẻ (bao gồm nhiều yếu tố) mà còn để hoàn thành mục tiêu huy động được bình quân 30%-35% cháu nhà trẻ và 95% cháu mầm non đến lớp trong năm 2020 theo Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến 2030.

Nguyễn An Lê