Với bất cứ nhiệm vụ nào ông Đoàn Lai (ngoài cùng bên phải) đều lên kế hoạch cụ thể sau đó mới bắt tay thực hiện

Hai trận lũ liên tiếp vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân xã Phú An (huyện Phú Vang), nhất là những hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản nước lợ. Gần dân, hiểu được khó khăn của bà con nên ông Lai kịp thời đề xuất sự hỗ trợ, kêu gọi sự giúp đỡ. Hàng ngàn suất quà là các nhu yếu phẩm đã kịp thời đến tận bà con người dân vùng lũ. 

Hơn 20 năm gắn bó công tác Mặt trận, ông Đoàn Lai chia sẻ: “Làm công tác Mặt trận là phải gần dân, nói cho dân hiểu và gương mẫu trong mọi hoạt động để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong các phong trào”. Những gì “ông Mặt trận” làm được cho người dân Phú An chẳng ai có thể kể hết, nhưng đối với người dân thôn Truyền Nam thì cái tên Đoàn Lai đã quá đỗi thân quen. Cũng nhờ ông mà không ít mâu thuẫn trong cộng đồng được giải quyết và không có ranh giới về tôn giáo, tín ngưỡng. Thay vào đó là một vùng quê yên bình, đoàn kết. Phần lớn người dân Thôn Truyền Nam đều theo Đạo Công giáo. Trước đây, bà con sống rất khép kín, tạo khoảng cách giữa người lương - giáo. Thậm chí, người dân trong thôn không tham gia bất cứ hoạt động nào của địa phương, không đăng ký xây dựng làng văn hóa, nhưng nay thì hoàn toàn khác.

Kể về quá trình làm dân vận ở vùng giáo, ông Lai cho biết: “Muốn bà con nghe thì người làm dân vận phải ý thức được tất cả mọi người đều là con dân của địa phương, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau và trong công tác vận động phải kiên trì, chịu khó, đặt quyền lợi của dân lên trên hết. Phải biết nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân thì mọi việc mới thành công…”. Ông nhớ lại: “Có những lần đến nhà người dân để tuyên truyền pháp luật, vận động đăng ký xây dựng gia đình văn hóa hay Quỹ Vì người nghèo, tôi vừa bước chân vào cửa nhà họ đã lớn tiếng. Có người thẳng thừng từ chối tiếp “khách không mời mà đến”. Không ngại, đến một lần không tiếp, ông đến lần thứ 2, thứ 3…và cuối cùng cũng thành công. Trong suốt thời gian qua, không một cuộc họp dân nào ở thôn Truyền Nam là ông không có mặt. Chính sự gần gũi, chân thànhcủa ông đã khiến cho người dân trong thôn tin tưởng, mở lòng.

Được bà con đón nhận, ông tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân; vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động do UBMTTQ Việt Nam các cấp phát động; làm tốt công tác giám sát các hoạt động ở cơ sở; ông cũng là cầu nối, người truyền đạt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con trong thôn đến chính quyền...

Ông Hồ Hiệu (người dân thôn Truyền Nam) chia sẻ: “Nhờ có ông Lai gần gũi, vận động mà người dân chúng tôi sống đoàn kết, cởi mở hơn. Bà con cũng tự bảo ban nhau thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ở thôn ai cũng quý và xem ông Lai như người thân”. Từ một thôn có nhiều vấn đề đáng quan tâm, năm 2015, thôn Truyền Nam được công nhận là thôn văn hóa và duy trì cho đến nay.

 “Không chỉ là điển hình trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Đoàn Lai còn rất có uy tín trong công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” tại địa phương. Với những nỗ lực trong công tác Mặt trận, ông đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc; UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tôn giáo…”- bà Phạm Thị Ái Nhi, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Phú Vang cho biết.

Bài, ảnh: Thanh Thảo