Du khách Pháp tham quan Cơ sở Tre Việt và thích thú với sản phẩm ấm trà bằng tre
Nối nghiệp cha, năm 2008 anh Nguyễn Đình Hưng (trú tại 85 Đào Duy Từ, TP. Huế) thành lập cơ sở Tre Việt với mong muốn giữ nghề và tạo sản phẩm quà tặng, lưu niệm từ tre, được khách hàng trong nước ưa chuộng và hấp dẫn khách du lịch. Khu du lịch cao cấp Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree là đối tác quen thuộc của Tre Việt với đơn đặt hàng mỗi năm trên 100 mẫu gồm súng thần công, đèn dầu, bộ đựng gia vị, trang trí sân vườn. Sản phẩm của Tre Việt đã có mặt tại Hội An, Đà Lạt, Nha Trang và một số khách sạn, điểm bán hàng lưu niệm trong tỉnh.
Năm 2014, Sở Công thương hỗ trợ các thiết bị phục vụ sản xuất như lò sấy, máy cưa bào liên hợp, máy chuốt và chẻ tre đa năng với tổng mức hỗ trợ 35 triệu đồng. Từ các thiết bị này, cơ sở đã thiết kế và sản xuất thành công các sản phẩm lưu niệm và gia dụng độc đáo từ nguyên liệu tre, như bộ ấm trà, khay trà, đèn ngủ, đèn bát và các sản phẩm gia dụng như rổ, rá, lồng bàn, hộp giấy…
Trước nhu cầu đặt hàng ngày càng tăng, đồng thời yêu cầu về kỹ thuật, độ chính xác và mẫu mã đa dạng, tháng 11/2017, cơ sở tiếp tục đầu tư 145 triệu đồng trang bị máy khắc laser tạo mẫu trên sản phẩm, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 55 triệu đồng.
Chủ cơ sở- nghệ nhân Nguyễn Đình Hưng chia sẻ, sau khi đưa máy khắc laser vào hoạt động, các sản phẩm lưu niệm và quà tặng sẽ được khắc lôgô, số series, mã vạch để khách hàng nhận dạng sản phẩm Tre Việt, đồng thời sẽ khắc tên thương hiệu, tạo hình phong cảnh theo yêu cầu của đối tác. Máy còn có chức năng khắc đổi màu vật liệu, khắc bóc vỏ bề mặt nhằm tạo ra nhiều giải pháp khắc xử lý bề mặt vật liệu và đáp ứng tối đa khả năng sử dụng đối với nguyên liệu tre.
Cơ sở đang tập trung sản xuất các mẫu thiết kế do UBND tỉnh bàn giao để làm quà tặng và hàng lưu niệm phục vụ Festival Huế 2018, bao gồm Kỳ đài, tháp Linh mụ, Cửu đỉnh, Ngọ môn, đồng thời thiết kế thêm 10 mẫu mới với mục đích hình thành bộ sưu tập quà tặng và lưu niệm mang tên Tre Việt phục vụ thị trường và hướng đến xuất khẩu.
Phó Giám đốc Trung tâm KC&Xúc tiến thương mại tỉnh, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng cho biết, trong 6 năm (từ 2011- 2017), nguồn vốn KC đã hỗ trợ 9 cơ sở công nghiệp và làng nghề truyền thống trên địa bàn TP. Huế với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ này, nhiều sản phẩm lưu niệm, quà tặng ra đời; 150 học viên được đào tạo các ngành nghề như đúc đồng, sơn mài, thêu, cắt may áo dài truyền thống, góp phần thúc đẩy các ngành nghề truyền thống trên địa bàn ngày càng phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho tỉnh.
Bài, ảnh: Thanh Hương