Quản lý tốt giá thuốc là mong mỏi của toàn xã hội (ảnh có tính minh họa)
Tôi có ông bạn học cực siêng và cực giỏi. Thời chúng tôi, không hề có chuyện chục đứa thì vào đại học cả chục. Cũng chưa có hệ mở rộng, ghi danh, “tại chức” như sau này. Vào đại học khỏi đóng học phí, lại có học bổng, gạo tiêu chuẩn hàng tháng, cho nên đại học là giấc mơ đúng nghĩa. Đại học mà vào được y khoa lại càng khủng! “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa...” kia mà. Vậy mà ông bạn tôi quyết chí phải vào y khoa ngay từ lần thi đầu tiên mới nể. Hồi ấy, tôi cũng ôn thi đại học. Nhưng cứ ôm sách ôm vở một lát là... mệt, thích ngủ. Thôi thì đạp xe một vòng cho tỉnh táo rồi lại về học. Tạt qua nhà bạn, thấy cu cậu cắm cúi miệt mài bên bàn học. Trước mặt đặt một bức tranh vẽ chiếc... xích lô. Hỏi sao không để bức tranh gì đẹp, lại để tranh xích lô? Chàng nói với vẻ nghiêm trọng: “Thuê họ vẽ đó. Đặt ngay trước mặt để khi nào cảm thấy lười học thì nhìn vào nó mà tự nhủ: Mày không cố gắng thì tương lai chiếc xích lô ấy... thuộc về mày”. Và rồi, anh chàng vào y khoa ngay từ năm đầu tiên ứng thí thật khiến bạn bè ai cũng phải nghiêng mình bái phục.
Sáu năm đèn sách, ra trường, bạn tôi khăn gói vào Sài thành lập nghiệp. Có điều, học y nhưng anh chàng không làm bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh mà lại chuyển hướng làm đủ loại dịch vụ liên quan nghề y để kiếm sống, và sống khỏe! Thỉnh thoảng có dịp về Huế, chàng lại gọi tôi đi làm vài chai và rù rì chuyện trò đủ thứ trên trời dưới đất. Chuyện trò đủ thứ nhưng duy chuyện làm ăn thì anh chàng lờ tịt, bởi với chàng đó bí mật nghề nghiệp, cũng là bí mật... đời tư. Tôi từng bị chàng “mắng vốn” khi một lần vô tình hỏi thăm, sau đó thì lo... rút kinh nghiệm.
Dạo rồi chàng lò dò ra Huế trúng đợt lụt, “mắc” lại hơi lâu. Hai thằng kéo nhau đi uống bia đến mấy bận. Nói mãi cũng hết chuyện, và hình như cũng có chút hứng khởi vì hơi men, chợt nhiên, chàng chuyển qua bàn chuyện vụ án của công ty VN Pharma được tòa tuyên xử cách đấy không lâu, trong đó có chi tiết 7,5 tỷ đồng hoa hồng được khai chi cho bác sĩ. Tôi hỏi, sao mà khủng thế. Ở trong nghề, theo ông liệu có thật hay thiên hạ dựng chuyện? Chàng cười cười: “Vậy ăn thua chi. Mà cũng là chuyện thường của “tụi dược”. Nói sòng phẳng ông nghe nhé, một viên thuốc đến tay người bệnh, tôi cam đoan với ông giá bị đội lên không dưới 150% so với giá gốc. Vậy mới có “cửa” để vào tới bệnh viện chớ”.
Không dám khẳng định độ chính xác của con số, song vẻ mặt, ngữ điệu, và thâm niên nghề nghiệp của chàng, cộng với vô vàn thông tin từng nghe, từng đọc, cho tôi biết chàng đang nói chuyện hết sức nghiêm túc. Và vì nghiêm túc cho nên tôi thấy kinh hoàng, thấy xót xa cho người bệnh; xót xa vì sự thui chột của lòng trắc ẩn trước nỗi đau đồng loại. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế, hẳn đã thừa nghe, thừa hiểu, và thừa biết những thông tin này. Vậy thì hãy làm gì để “thương người bệnh với” đi chứ?
Đem mối băn khoăn này trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp. Không ít người bảo, không làm thôi chứ làm thì thừa sức. Thuốc, vật tư y tế trong nước thì kiểm soát giá cả có lẽ không là vấn đề. Còn ngoại nhập? Bây giờ thế giới phẳng, cái đó đơn giản, chỉ một cái click chuột, thông tin không ít thì nhiều sẽ hiện ra trước mắt. Phức tạp quá thì nhờ các cơ quan ngoại giao của ta. Sản phẩm ở nước nào, chất lượng có đủ tin cậy, giá cả ra sao, yêu cầu chắc hẳn sẽ được trợ giúp.
Còn nhớ trước đây, có doanh nghiệp dính quả lừa từ hứa hẹn của “một nhà đầu tư” nước ngoài đến nỗi dẫn đến sập tiệm. Một người bạn của chúng tôi công tác trong ngành ngoại vụ bảo, trước đó đã từng cảnh báo với chủ doanh nghiệp này rằng hãy cung cấp các thông tin của nhà đầu tư để bên ngoại vụ nhờ sứ quán thẩm định trước khi đặt bút ký tá, nhưng doanh nghiệp lại quá tự tin, nên “bể”! Quyền lợi của một doanh nghiệp, cơ quan ngoại vụ còn quan tâm, huống gì quyền lợi của đa số người dân, dù có khó khăn, phức tạp, tin chắc phía các cơ quan ngoại giao sẽ cố gắng. Quan trọng là ngành y tế phải thực sự đặt y đức lên hàng đầu; cơ quan quản lý dược, thanh tra y tế... không chỉ biểu lộ mà còn dốc tâm bảo vệ bệnh nhân như từ mẫu, giá thuốc chắc hẳn giảm mạnh và cơn đau của người bệnh cũng sẽ theo đó mà nhẹ đi bội phần.
Mới đây, Bộ Y tế đã có chủ trương đấu giá thuốc tập trung. Mừng, và hy vọng đó là một động thái nhằm lành mạnh hóa thị trường dược phẩm, hướng đến lợi ích người bệnh chứ không vì mục đích gì khác.
Bài, ảnh: Thượng Bích