Huế trong lịch sử với diện tích 70km2 là một chỉnh thể đô thị hiếm hoi có sự hoàn chỉnh, với một đô thị cổ đặc thù nằm ở bờ bắc sông Hương và một đô thị mới với kiến trúc đô thị phong phú, đa dạng, trải qua các thời kỳ phát triển. Nếu như vẫn giữ Huế trong hình hài hiện tại thì cũng chỉ là “Huế của ngày hôm qua”, thậm chí rất khó giữ được giá trị lõi của đô thị khi mà diện tích của thành phố hiện tại đã không còn đủ sức dung chứa những vấn đề của một đô thị hiện đại.

Có thể kể ra đây như vấn đề quỹ đất dành cho giao thông đô thị, đặc biệt là hệ thống các tuyến đường vành đai, hệ thống giao thông tĩnh: bến bãi, kho tàng trước sức ép của gia tăng dân số và đô thị hóa. Đó còn là vấn đề quỹ đất đủ lớn để nâng chất lượng sống của người dân cũng như xây dựng Huế trở thành một thành phố du lịch đặc sắc ở tầm quốc tế như chúng ta đang kỳ vọng.

Mở rộng đô thị là rất cần thiết, khi mà chính quyền đô thị sẽ dễ giải quyết những vấn đề mang tính vĩ mô như mở rộng các trục phát triển về phía đông nam, tây nam; xây dựng hành lang thoát lũ cho đô thị, mở rộng và xây dựng các cánh rừng cảnh quan, các vườn ươm và công viên sinh thái, quản lý bảo tồn quần thể di sản văn hóa trong sự toàn vẹn nhất của nó. Mở rộng địa giới hành chính (ĐGHC) cũng sẽ giúp Huế giải quyết rất nhiều bài toán khác như vấn đề dãn dân để giải tỏa áp lực cho khu vực trung tâm, vấn đề xử lý rác thải, nghĩa trang, đất dành cho tiểu thủ công nghiệp, giúp bố trí và phân bố các khu chức năng của đô thị hợp lý chứ không phát triển dồn nén vốn dĩ đem lại khá nhiều hệ lụy về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, biến đổi khí hậu.

Theo tinh thần Kết luận 48 của Bộ chính trị, cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, việc mở rộng đô thị Huế là điều đã được định hướng. Trong quyết định này, đô thị Huế được xác định là một trong những đô thị trung tâm quốc gia, khu vực và quốc tế cùng với Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Điều này một lần nữa được cụ thể hóa trong đồ án điều chỉnh quy hoạch (QH) chung TP. Huế do Tổ chức Koika (Hàn Quốc) thực hiện. Theo  đồ án QH này, không gian của đô thị Huế sẽ được mở rộng từ 70km2 lên đến gần 350km2, trong đó ngoài khu vực trung tâm đô thị Huế hiện tại sẽ mở rộng về các hướng Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang với các đô thị phụ trợ. Các đô thị này sẽ hỗ trợ và bổ khuyết những hạn chế về chức năng đô thị cho khu vực trung tâm thành phố như Thủy Phương sẽ phát triển các không gian xanh tận dụng sông ngòi hiện có, xây dựng các công trình phục vụ thể dục thể thao và công viên gắn liền với không gian xanh. Thuận An đóng vai trò là trung tâm du lịch ven bờ và cửa ngõ hướng ra phía biển, là động lực mà các đô thị phát triển đều cần phải có.

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Huế khóa XII tổ chức vào cuối năm 2016, Thành ủy Huế đã ra nghị quyết về việc đề nghị mở rộng ĐGHC TP. Huế. Phạm vi mở rộng địa giới TP. Huế được nghiên cứu và đề xuất sẽ bao gồm một phần TX Hương Thủy: Thủy Bằng, Thủy Dương, Thủy Vân và một phần Thủy Thanh; TX Hương Trà, với một phần xã Hương Vinh – Bao Vinh, Hương An, Hương Hồ; huyện Phú Vang: Thị trấn Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Dương và một phần xã Phú Mỹ và Phú An.

Với phương án này, TP. Huế mở rộng có quy mô dân số khoảng trên 460.000 dân, diện tích mở rộng xấp xỉ 208km2. Đề xuất này nhỏ hơn so với phương án đưa ra ở đồ án điều chỉnh QH chung TP. Huế, tuy nhiên lại mang tính khả thi cao và vẫn bảo đảm được quy mô cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển toàn diện cho đô thị Huế.

Quang Phong