“Phủ sóng”

Cách UBND xã Vinh Thái không xa là một ngôi nhà tráng lệ. Đó là nhà của ông Nguyễn Đình Toàn, người “nắm trong tay” nhiều lò mỳ ở Viêng Chăn, thủ đô nước Lào. Ông rời quê hương Vinh Thái, mưu sinh trên đất khách bằng nghề làm bánh mỳ mấy chục năm qua. Bây giờ, tài sản của gia đình ông là nhà cửa hàng tỷ đồng, 4 chiếc ô tô.

Ông Trung chia sẻ khó khăn với bà con nghèo Vinh Thái trong cơn lụt vừa qua

Gia đình ông Nguyễn Vinh, ông Trần Thứ cũng làm giàu bằng những năm tháng xây dựng, mở rộng nhiều lò bánh mỳ trên đất Lào. Tài sản của gia đình ông Phan Quang Linh, chủ lò mỳ ở TP Đông Hà (Quảng Trị) là 3 ngôi nhà với tổng trị giá chục tỷ đồng và những phương tiện đắt tiền. Gia đình ông Phan Quang Trung, chủ lò mỳ ở tỉnh Quảng Bình thì mới hoàn tất xây dựng ngôi nhà thứ ba, trị giá 9 tỷ đồng…

Theo ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Vinh Thái, sau tàn phá của cơn “đại hồng thủy” năm 1999, nhiều gia đình nghèo phải xa xứ kiếm kế sinh nhai. Một số người vào TP. Đà Nẵng học nghề làm bánh mỳ, rồi đến các tỉnh, thành khác mở lò. “Số lượng lò mỳ của người Vinh Thái ban đầu đếm đủ bằng 10 ngón tay, qua gần 20 năm, đến nay đã “phủ sóng” gần khắp cả nước từ tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Đắc Lắc, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh… Riêng ở TP. Vinh có 80 lò mỳ của người Vinh Thái”- ông Tư nói.

“Xa xứ làm ăn, khi mới bắt đầu rất gian nan, vất vả. Nhưng muốn “quẳng” được cái nghèo, vươn lên làm giàu thì phải chịu khó chịu khổ. Có nghề trong tay, chúng tôi nỗ lực, chăm chỉ, hỗ trợ nhau, mở rộng dần dần mới có kết quả như ngày hôm nay”. Các ông Phan Quang Linh, Phan Quang Trung bộc bạch, đã từng sống trong nghèo khổ trên mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn, nên những người Vinh Thái xa xứ càng thương yêu, đoàn kết giúp đỡ nhau trong làm ăn cũng như cuộc sống. Một người “ra ngoài” mở lò bao giờ cũng đưa anh, em bà con hoặc hàng xóm láng giềng đi theo, tạo công ăn việc làm đồng thời dạy nghề. Sau thời gian tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm đủ “cứng cáp”, những người này tách riêng, đến vùng đất mới lập nghiệp, phát triển công việc.

“Những năm gần đây, các chủ lò mỳ người Vinh Thái thành lập Hiệp hội bánh mỳ (đến nay gồm 110 thành viên là chủ lò, 223 lò), giúp các thành viên làm giàu, đồng thời chung tay chia sẻ với quê hương”- Chủ tịch UBND xã Vinh Thái cho hay.

Nghĩa tình với quê hương

Khi hai thôn Kênh Tắc, Hà Trường B vẫn bị lũ lụt chia cắt, trưa 9/11, hai chiếc thuyền xuất bến xuyên màn mưa, mênh mông “biển” nước, đến với 30 hộ nghèo, bệnh tật. Vợ chồng ông Phan Quang Trung vừa từ Quảng Bình vào, trực tiếp mang 30 suất quà, mỗi suất là thùng mỳ tôm và 300 nghìn đồng để kịp thời chia sẻ với bà con. Hai hộ bệnh tật hiểm nghèo được vợ chồng ông Trung hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi hộ. Những gương mặt xúc động của cả người trao và người nhận làm ấm cả chiều mưa. “Chúng tôi đã từng trải qua cảnh nghèo, cảnh khó trên mảnh đất còn khó khăn này, nên càng hiểu, càng đồng cảm với bà con. Món quà tuy không lớn, nhưng đây là tấm lòng, tình cảm của chúng tôi” ông Trung trải lòng. 

Với tình cảm đó nên dù ở đâu, những “ông chủ” lò mỳ Vinh Thái vẫn nặng lòng với quê hương, sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn nơi quê nhà. Sau khi hiệp hội bánh mỳ thành lập, các hoạt động thiện nguyện mạnh hơn. Hiệp hội hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho bà Hà Thị Hoa sống neo đơn một mình, vào năm 2014; hỗ trợ 60 triệu đồng để một hộ đặc biệt khó khăn tại thôn Thanh Lam Bồ có mái nhà vững chắc, vào năm 2016; ủng hộ Trường tiểu học Vinh Thái tổng cộng hơn 60 triệu đồng để xây dựng  thư viện xanh (thư viện ngoài trời) và bếp ăn bán trú, vào năm 2017.

“Còn nhiều, rất nhiều sự chia sẻ của anh em trong hiệp hội dành cho các hoàn cảnh hoạn nạn, nghèo khó ở Vinh Thái. Những tấm lòng đối với bà con, với quê hương thật đáng quý, đáng trân trọng”- Ông Tư chia sẻ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh