Theo ước tính của WHO, các sản phẩm y tế giả mạo và thuốc kém chất lượng chiếm tới 10% thị trường dược phẩm ở các nước đang phát triển.

Cơ quan của LHQ tại Geneva nói rằng, các sản phẩm không có giấy phép hoặc không đạt tiêu chuẩn phổ biến nhất là thuốc chống sốt rét và kháng sinh, nhưng vấn đề này ảnh hưởng đến tất cả mọi phương diện từ điều trị ung thư đến việc tránh thai.

Hàng vạn trẻ em bị cho là tử vong mỗi năm do sử dụng các sản phẩm thuốc giả và kém chất lượng. Ảnh: Pixabay

Con số ước tính 10% đó dựa trên hơn 100 bài báo nghiên cứu về chất lượng y tế ở 88 nước đang phát triển, với 48.000 mẫu thuốc.

“Điều này là không thể chấp nhận”, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói về những phát hiện này, và kêu gọi các nỗ lực hợp tác quốc tế chống lại nạn buôn người và buôn bán các sản phẩm như vậy.

Thuốc kém chất lượng không chỉ gây ra bệnh tật và tử vong mà còn góp phần làm tăng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

WHO bắt đầu thu thập các báo cáo của chính phủ về các sản phẩm thuốc giả và kém chất lượng này từ năm 2013.

Kể từ đó, cơ quan này đã thu thập được 1.500 báo cáo về các trường hợp thuốc giả hoặc thuốc chất lượng kém, 42%  từ vùng hạ Sahara Châu Phi, 21% từ châu Mỹ và 21% từ châu Âu.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu của Đại học Edinburgh, có ít nhất 72.000 trẻ em được ước tính tử vong hàng năm bị viêm phổi do phải sử dụng các thuốc kháng sinh không đạt tiêu chuẩn và giả mạo.

Theo một nghiên cứu độc lập của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, ước tính có thể có đến 116.000 ca tử vong do sốt rét hàng năm do sử dụng các thuốc chống sốt rét kém chất lượng ở các quốc gia vùng hạ Sahara.

Thế Vĩnh (lược dịch từ News.au.com)