Theo lộ trình được đề ra trong Kế hoạch (KH) 142/KH-UBND ngày 19/9/2016 thì đến năm học 2019 -2020, toàn tỉnh phấn đấu có 80,3% trường ở các cấp học, bậc học đạt chuẩn quốc gia.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn toàn tỉnh là 302, bằng 51,09% so với yêu cầu. Theo lộ trình đặt ra ở KH 142 thì đến cuối năm 2017 này, toàn tỉnh phải có 117 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp, bậc học. Tuy nhiên đã hơn một năm kể từ khi ban hành KH 142, toàn tỉnh mới công nhận mới thêm 43 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, trong đó mầm non có 12 trường (được công nhận ở mức độ 1); 17 trường tiểu học (trong đó, có 2 trường được công nhận ở mức độ 2), 13 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông. Cho đến thời điểm hiện tại, con số này mới ở tỷ lệ 36,75%, và đây được cho là một trong những bất cập lớn.

Ở một khía cạnh khác, hiện có 9.118 học sinh (314 lớp)/89.118 học sinh (3.163 lớp) chưa có điều kiện để tổ chức học 2 buổi (ngày). Nếu đảm bảo nhu cầu cho con số này, cần 171 phòng học và 1 số thiết bị khác. Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng chỗ ăn, nghỉ cho học sinh bán trú hiện đang phát triển rất chậm vì những khó khăn nội tại cũng như trong việc huy động nguồn lực xã hội. Cũng trong nhóm này, còn có những hạn chế khác xung quanh việc hình thành các nhà đa năng cho học sinh tiểu học trong việc hướng đến thực hiện mục tiêu tiên tiến đến giáo dục toàn diện cho học sinh (mới có 20 trường tiểu học có nhà đa năng, tỷ lệ là 8,8%).

Số học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày cũng mới chỉ đạt tỷ lệ 29,1% (19.880/68.339 em) là một con số tham khảo khác. Bên cạnh đó là những tác động mang tính chi phối khác như việc quy định chế độ thu tiền học 2 buổi/ngày ở các cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non đã ban hành quá lâu và hiện mức thu này không đủ để tổ chức cho các em học 2 buổi/ngày. Chế độ phụ cấp cấp dưỡng theo hình thức xã hội hóa mỗi nơi một khác và đa phần chưa đảm bảo mặt bằng chung, nhất là các xã thuộc diện khó khăn; kinh phí dành cho việc trả thêm giờ cũng chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến có những độ trễ nhất định ở một số đơn vị, địa phương...

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, mục tiêu đến 2020 có 30% cháu trong độ tuổi nhà trẻ và 95% cháu trong độ tuổi mầm non ra lớp cũng mới là chỉ tiêu bình quân, nhiều nơi có thể còn thấp hơn và đây là việc cần thiết để chuẩn bị cơ sở cho việc phát triển giáo dục phổ thông. Thậm chí, đây cũng mới là con số định tính chứ nhu cầu thực sự của người dân có thể còn cao hơn. Điều này đã tạo nên một áp lực khá lớn khi số trẻ/lớp đang vượt quá quy định do thiếu cơ sở vật chất.

Trường đạt chuẩn sẽ là tiền đề để đảm bảo chất lượng đào tạo ở các cấp, song cái khó nhất hiện nay là nguồn kinh phí nhiều nơi hoàn toàn dựa vào quỹ đất và đây là điều chưa gỡ được. Nhiều địa phương vẫn còn để ngỏ việc bổ sung nguồn kinh phí từ việc chuyển quyền sử dụng đất cho các công trình mang tính phúc lợi xã hội và để làm được điều này, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt hơn. Thúc đẩy quá trình này còn cần đến việc rà soát lại các cơ chế phối hợp giữa các địa phương với ngành giáo dục và đào tạo, đồng thời có sự chỉ đạo, giám sát tốt hơn để thúc đẩy việc hoàn thành và có thêm trường đạt chuẩn quốc gia ở các tiêu chí...

Nguyễn Anh Dân