Lưu giữ báu vật

Nhà thờ họ Nguyễn được xem như tuyệt tác kiến trúc. Ảnh: M.Văn

Có nhiều ngả để về làng Mỹ Lợi, nhưng chúng tôi quyết định chọn lộ trình qua cầu Trường Hà (Phú Vang) để tận hưởng cái hồn của những miệt làng bên phá. 9 giờ sáng, chúng tôi gặp anh Lê Thái, cán bộ phụ trách văn hóa địa phương, người khá tinh thông văn hóa lịch sử của làng ngay cả thời kỳ sơ khai. Theo anh Thái, xã Vinh Mỹ có nhiều ngôi nhà rường cổ thuần Việt, tuổi đời hàng trăm năm. Nơi đây có đình làng được xây dựng năm 1808, nay được công nhận Di tích Văn hoá Lịch sử Quốc gia. Đặc biệt, làng Mỹ Lợi nổi tiếng về nương vườn, đánh bắt thủy sản biển và lưu giữ nhiều văn bản liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nói về “báu vật” của làng, anh Thái tiết lộ. “Hiện Vinh Mỹ có gần 10 ngôi nhà rường cổ 100-200 năm tập trung ở thôn 3 và 4”.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà rường cổ của ông Tô Xuân Ánh, ở thôn 3. Ông Ánh vốn làm nghề dạy học, nay đã 83 tuổi nhưng dáng vẻ còn lanh lợi. Ông kể, ngôi nhà được xây từ đời ông nội, có giá tính bằng hàng ki lô vàng. Chiến tranh làm cho ngôi nhà sụp tường, gãy mái nhưng được con cháu đồng tâm hiệp sức sửa lại hệt như cũ. Hai năm trước, một số hạng mục như cửa chính, chân đế bộ giàn trò, rui mèn, đòn tay, kèo, xuống cấp cũng được làm mới. Gian giữa được chạm khắc tinh xảo với 3 chữ Tích - Thiện - Đường, những tác phẩm chạm gỗ quý hiếm mà theo ông Ánh, bây giờ nhiều gia đình rủng rỉnh tiền bạc chưa hẳn đã làm được. Riêng ở phần tường phải và trái có một số điểm bị bong vữa nhưng đã được trám lại tử tế.
 
Bà Tuồng Thị Sương ở thôn 3 cũng đang sở hữu một ngôi nhà rường cổ độc đáo đã xuống cấp, được con cháu góp tiền sửa chữa lại từ năm 2011. Ngôi nhà ba gian hai chái đều có nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo được chạm khắc khá đẹp. Với cái giọng rặt chất Mỹ Lợi hiền từ, bà Sương bày tỏ: “Mấy năm trước nhiều người về hỏi mua. Nhưng đây là kỷ vật của ông cha, dù giá bao nhiêu anh em tui cũng không bán”. Bà lại tiếp: “Nếu bán là hết, hết nơi hương khói tổ tiên, hết cả nơi cho con cháu quây quần, đoàn tụ. Cứ nhìn những ngôi nhà cổ đã bán đi trong làng này mà cám cảnh. Chia tiền cho con cháu, mỗi đứa một nơi tách biệt, coi như hết. Điều tui sợ nhất là hết nghĩa gia đình, mất sợi dây liên kết giữa tổ tiên cho đến thế hệ sau này”. Trong khi ở các miền quê khác, với nhiều ngôi nhà rường cổ đang âm ỉ “chảy máu” thì cái quan điểm, những suy nghĩ như ông Ánh, bà Sương ở làng Mỹ Lợi làm cho chúng tôi phải trân trọng, phục nể...
 
Hàng chục nhà thờ họ tộc
 
Rời những ngôi nhà cổ, chúng tôi nhẩn nha quanh làng, vừa ngắm vườn rau, ô màu xanh thắm, vừa chiêm bái hệ thống nhà thờ họ tộc ở Mỹ Lợi. Anh Thái trải lòng: Vinh Mỹ không giàu tiền, giàu bạc nhưng lại giàu tình giàu nghĩa, đoàn kết thủy chung, lúc nào cũng hướng về nguồn cội. Hàng chục năm trước đây, bà con dù sống trong cảnh vất vả nhưng đã dồn tâm sức để trả ơn cội nguồn bằng việc góp công, góp của để xây dựng những ngôi nhà thờ họ tộc.
 
Chúng tôi đã đến nhiều nơi, nhưng không đâu có mật độ nhà thờ họ dày đặc như ở Mỹ Lợi. Cả làng có 5 thôn đã có đến 45 nhà thờ họ tộc. Phần lớn những nhà thờ là những kiệt tác nghê thuật - trước có sân rộng, cổng tam quan, bình phong. Nội chính điện là ngôi nhà truyền thống ba gian, hai chái, trang trí kiểu “nhất thi nhất hoạ”, “tứ linh”,”long mã”, “lưỡng long chầu nguyệt” đều được chạm trổ long, lân, quy, phụng tinh xảo, có giá trị mỹ thuật cao.
 
Từ đường họ Trần ở thôn 4 là nơi mà bất kỳ ai đi qua cũng phải dừng lại bởi vẻ đồ sộ với tường gạch, cổng chào, sân vườn và những phù điêu, họa tiết đắp nổi. Trong nhà cũng không kém phần độc đáo với nền gạch hoa làm bằng đá và những hoa văn được vẽ trên tường với màu sắc có thể lưu giữ về sau. Ông Trần Nguyễn Lễ, Trưởng họ cho biết, nhà thờ đã hình thành từ rất xưa, khi họ Trần từ Sầm Sơn, Thanh Hóa di cư vào những năm cuối thế kỷ 16. Do thời gian, chiến tranh, thiên tai, bão lũ, ngôi từ đường từng xuống cấp, hư hỏng. Hòa bình lập lại, con cháu trong họ ai cũng đau đáu nâng cấp tu sửa để có nơi hương khói, thờ tự tri ân tổ tiên. Đến năm 2003, với sự trợ lực của Hội đồng hương, con cháu gần xa, nhà thờ họ mới đại trùng tu kéo dài gần 2 năm. Hiện, nhà thờ đã trở thành mái nhà chung, là địa chỉ bất luận con dân trong họ dù sinh sống nơi đâu cũng nhớ về. Hàng năm, nơi đây diễn ra các đợt sinh hoạt gặp gỡ con cháu như chạp mộ, Thu tế, tổ chức trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho con cháu ...
 
Vinh Mỹ còn có nhà thờ họ Lê, chẳng kém nhà thờ họ Trần, họ Nguyễn... về quy mô. Địa chỉ này từng là nơi nuôi dưỡng phong trào cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cũng là nơi lưu giữ khá tốt các sắc phong, địa bạ, địa đồ, văn bản của họ, làng, nhiều năm nay được con cháu trong họ lập hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận là di tích lịch sử cách mạng.
Anh Lê Thái cho hay, nét đẹp truyền thống cha ông để lại, các thế hệ con cháu trong họ hôm nay ra sức giữ gìn phát huy. Những cổ hủ, nhiêu khê không phù hợp xu thế phát triển xã hội được thay thế những nét đẹp, điều hay. Đơn cử như chuyện tang ma, tập tục xưa ở đây vốn rườm rà, phải “cơm hiếu”, cỗ bàn tạ ơn phiền toái. Nay, việc đám tang ở làng chỉ trừ nội thân đến trợ tang, ngoài ra nhất thiết cấm ăn uống, từ xóm làng đến quan khách chỉ dùng trầu, rượu để tiếp đãi. Người dân sinh hoạt nói năng tử tế, con cháu có phép tắc, biết kính trên nhường dưới; tuyệt đối không một tiếng chửi thề, chửi tục. Chính vì lẽ đó mà con cháu họ Lê đã góp phần tạo nên làng văn hóa Mỹ Lợi đặc sắc hôm nay.

Kết thúc chuyến thăm làng Vinh Mỹ, trên đường trở về, đồng nghiệp của tôi cứ trầm ngâm. Bạn nói, làng Mỹ Lợi là một di sản sống. Nếu có kế sách, hoạch định thì nơi đây sẽ trở thành một điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách gần xa...

Minh Văn