Thật ra, anh về nghỉ hưu không phải “phụ trách” chiếc máy photocopy mà chị chỉ mong anh dành nhiều thời gian để bù đắp những ngày miệt mài bàn giấy, hay những chuyến công tác xa.
Anh hạnh phúc khi tham gia công tác xã hội. Với anh, làm công tác xã hội giống như làm từ thiện, không màng bổng lộc, chỉ bỏ chút thời gian giúp bà con. Thế là nắng cũng như mưa, ngày nào anh cũng mất vài ba tiếng lo chuyện ngoài đường. Cái nắp cống đầu xóm bị vỡ, người ta cũng kêu anh. Đống rác đầu làng công nhân vệ sinh môi trường chưa đến dọn, họ cũng báo cho anh rõ. Những ngày mưa, đoạn nào ngập úng, người ta rần rần gọi điện thoại hoặc tới nhà. Những ngày lễ, tết quà cáp cho các hộ khó khăn mà theo người dân là chưa thỏa đáng, họ cũng tìm anh. Có khi anh vơ cái áo đi suốt cả ngày, làm chị ở nhà ngóng dài cổ. Lúc thì anh ngồi nhà tiếp chuyện suốt vài giờ đồng hồ, chị phải châm nước, pha trà. Rồi thì khoản nhậu nhẹt của anh cũng được bạn bè, đối tác lên lịch đều đều.
Đến thăm gia đình anh hôm vừa rồi, chị bảo, ngày chưa già, anh đi nhậu còn dễ thông cảm. Nay đã có tuổi, rượu bia vào bệnh tình bắt đầu hỏi thăm. Mà lúc anh rượu bia vào mặt mày đỏ phừng phừng, cộng với chứng cao huyết áp dễ làm khổ vợ con lắm. Còn anh thì bảo, làm công tác xã hội phù hợp với người già. Đi làm còn để vận động cơ thể, luyện tập trí óc minh mẫn, gặp người này người kia để không quá buồn tẻ. Vừa nghỉ hưu, được bà con khu vực tín nhiệm vào việc làm phù hợp, cũng giống như được đi trên cây cầu vừa nối đôi bờ, không cảm thấy ngày về chông chênh hay thất vọng. Điều này không phải ai cũng hưởng được duyên này.
Nghe anh chị đối khẩu, tôi thấy người nào cũng chí lý, chí tình. Những chuyện anh thích hay chị muốn đều không phải vấn đề nan giải, không giải quyết được. Ngày trẻ, gia đình vất vả bao nhiêu còn san sẻ được, huống gì tuổi già làm việc chỉ để thấy không buồn tẻ, thấy mình có ích, vậy anh chị cũng cần chia sẻ, tìm tiếng nói chung để tận hưởng những ngày cuối đời êm đềm bên nhau.
Khánh Quan