Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng hồi tháng 1. Ảnh: AP

Các thẩm phán tòa án tối cao Mỹ ngày 4/12 bỏ phiếu với tỷ lệ 7 ủng hộ - 2 phản đối cho phép chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng đầy đủ lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi công bố hồi tháng 9, AFP đưa tin.

"Hiến pháp và các đạo luật quốc hội cấp thẩm quyền cho tổng thống trong ngăn người nước ngoài vào Mỹ nếu ông ấy coi đó là hành động vì an ninh quốc gia", Noel Francisco, đại diện cho chính quyền Trump, tranh luận trước tòa. Lệnh cấm là cần thiết "nhằm bảo vệ an ninh quốc gia".

Tổng thống Trump hồi tháng 9 đưa ra phiên bản thứ ba của lệnh cấm nhập cảnh Mỹ, áp dụng theo nhiều mức độ khác nhau đối với công dân 8 quốc gia gồm Chad, Iran, Libya, Syria, Somalia, Yemen, Triều Tiên và Venezuela. Lệnh cấm nhanh chóng gặp thách thức pháp lý tại tòa phúc thẩm thành phố Richmond, Virginia, và San Francisco, California.

Những người phản đối cho rằng lệnh cấm nhằm vào người Hồi giáo, vi phạm hiến pháp Mỹ và không thúc đẩy mục tiêu an ninh như chính quyền Trump tự nhận. Họ kêu gọi các tòa phúc thẩm chặn thực thi lệnh cấm trong thời gian họ và các luật sư đại diện chính quyền Trump tranh luận về tính hợp pháp.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions mô tả phán quyết từ tòa án tối cao là "thắng lợi đáng kể cho an toàn và an ninh của người dân Mỹ". Ông nói chính quyền Trump cảm thấy "được động viên" khi phần lớn thẩm phán "cho phép lệnh cấm bảo vệ an ninh quốc gia của tổng thống có hiệu lực hoàn toàn".

Trong khi đó, Nhà Trắng "không bất ngờ" trước quyết định từ tòa án tối cao. "Lệnh cấm là hợp pháp và quan trọng để bảo vệ đất nước. Chúng tôi sẽ đưa ra sự biện hộ đầy đủ hơn cho lệnh cấm tại các vụ kiện đang diễn ra ở một số tòa án", Nhà Trắng cho biết.

Các thẩm phán tòa án tối cao dự đoán các tòa phúc thẩm cấp thấp sẽ gấp rút có phán quyết, để ngỏ khả năng tranh cãi liên quan đến lệnh cấm có thể lại được đưa ra tòa án tối cao. Tòa phúc thẩm tại San Francisco và Richmond sẽ xét xử các vụ kiện lần lượt vào ngày 6 và 8/12.

Theo Vnexpress