Qua cầu Phú Lưu một quãng, chúng tôi rẽ vào một lối nhỏ, tạt vào quán cơm hến bên trái. Rộng rãi, thoải mái. Hô mô có nấy, không phải xếp hàng chầu chực cực hơn…đi cày như mấy quán cơm hến ở đường Phạm Hồng Thái, Trương Định. Mà chất lượng cũng không có vấn đề gì.

Ngôi nhà của chủ quán khá rộng rãi, nhưng hình như được xây đã khá lâu. Mái hiên đúc bê tông đã bong vỡ, lộ cả cốt thép bên trong đang hồi mục rỉ, vôi ve các bức tường bao đã loang lổ, rêu phong đến tội nghiệp…
 

Dân Cồn Hến với nghề cơm hến truyền thống

“Sao không sửa đi bác? Có bao nhiêu đâu…”- Bạn tôi bắt chuyện. Không ngờ rà đúng… tần sóng nỗi niềm của gia chủ. Vậy là ông quên cả “công tác phục vụ”, kéo ghế ngồi nói chuyện với khách chơi. Tựu chung vẫn là chuyện di dời, quy hoạch “treo”. “Cả ngàn nhà ở đây, không mấy ai có thẻ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Tui ở đây thuộc loại lâu đời mà vừa rồi phải nhờ bạn bè là lãnh đạo thành phố can thiệp mới làm được. Nhưng có thẻ đỏ rồi cũng… như không, ngân hàng họ chê, không chấp nhận thế chấp cho vay…”.
 
Nỗi niềm của ông chủ quán cũng là nỗi niềm chung của người dân cồn Hến. Chúng tôi đã từng tìm hiểu và có bài viết về vấn đề này (bài đăng trên Báo Thừa Thiên Huế số 4671 - thứ bảy ngày 5-12-2009), trong đó đề cập đến nguyện vọng tha thiết của chính quyền và người dân nơi đây là mong mọi sự được minh bạch, công khai. Quy hoạch cái gì, còn hiệu lực không, bao giờ triển khai, có giải tỏa dân không, giải tỏa ở mức độ nào, dân đi đâu… để bà con còn yên tâm sinh sống, làm ăn. Đó chính là an dân-một việc làm hết sức quan trọng với bất kỳ chế độ nào, xã hội nào. Vậy nhưng, đáng tiếc, và cũng đáng buồn, là sau khi báo giúp người dân lên tiếng, cho đến nay vẫn không thấy có cơ quan nào trả lời. Không lẽ mọi thứ vẫn cứ “sương khói mờ nhân ảnh” để dân xứ cồn mãi bồn chồn không yên…
 
Hiền An