Hình ảnh rác thải tại bờ biển Dbayeh phía Bắc Beirut vào ngày 28/11/2017. Ảnh: Chaneltv
Con người đang tự đầu độc môi trường sống và chính bản thân mình, khiến sự sống của nhân loại bị đe dọa ở mức báo động khi tình hình ô nhiễm nước, đất, không khí đang diễn ra ngày một phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại “ô nhiễm đang là kẻ giết người nguy hiểm nhất trên thế giới”.
Theo báo cáo từ tạp chí y khoa The Lancet, gần 7 triệu người trên thế giới phải sống với khói bụi và các độc tố, tạp chất lẫn trong không khí. Ngoài ra, chất chì trong sơn cũng được xác nhận là gây ra tình trạng tổn thương não cho hơn 500.000 trẻ em. Hằng năm, có khoảng 50% khối lượng nước thải và 50 triệu tấn rác điện tử vẫn được thải ra môi trường mà không thông qua bất kỳ khâu xử lý nào. Chi phí phúc lợi liên quan đến ô nhiễm, bao gồm chi phí y tế hiện đã lên đến gần 5 nghìn tỷ USD/năm - hơn 6% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Trước tình hình này, các sứ giả quốc tế đã thống nhất kêu gọi kế hoạch giảm thiểu, đối phó từ Chính phủ các nước, cũng như doanh nghiệp và toàn thể người dân.
Phát biểu tại Hội nghị Môi trường LHQ (UNEA) lần thứ ba được diễn ra ở Nairobi (Kenya) từ ngày 4-6/12, ông Erik Solheim, giám đốc Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nhấn mạnh “ Ô nhiễm môi trường là kẻ giết người nguy hiểm nhất, chúng ta tiên quyết phải đánh bại nó”.
Được biết, UNEA là hội nghị được thành lập nhằm đưa ra quyết định cuối cùng về các vấn đề liên quan đến môi trường tự nhiên, với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao và đại biểu đến từ 193 nước thành viên của LHQ. Tại hội nghị lần này, các đại biểu tham gia thống nhất nỗ lực triển khai kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách hạn chế rác thải sinh học, hóa học, khói độc... cùng lúc thông qua tuyên bố "Hướng tới một hành tinh không ô nhiễm". Thêm vào đó, giới chức các nước cũng tiến hành đàm phán một số nghị quyết chống ô nhiễm cụ thể để hạn chế lượng nhựa dẻo độc đổ ra biển, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của hệ sinh thái và ngừng sử dụng chì trong sơn.
Đan Lê (Lược dịch từ Chaneltv)