Lao động nữ giúp việc chuẩn bị xuất cảnh sang Ả Rập Xê Út

Cơ hội tốt

Tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Huế nhưng không xin được việc làm phù hợp, Nguyễn Thị Thanh Mai (Phong Mỹ, Phong Điền) đi làm công nhân. Lương thấp, gia cảnh lại nghèo không đủ trang trải cuộc sống, Mai quyết định đăng ký đi giúp việc ở Vương quốc Ả Rập Xê Út. Đến nay, Mai sang Ả Rập Xê Út đã hơn 1 năm và là người đầu tiên ở Thừa Thiên Huế đi xuất khẩu lao động theo chương trình này.

Liên lạc qua facebook, Mai kể cuộc sống bên đó rất thoải mái. “Công việc chính là nội trợ, thời gian làm việc hợp lý, không quá vất vả. Nhà chủ đối xử với em rất tốt, họ thương yêu, quan tâm người giúp việc, nhất là khi đau ốm. Khi đã thích nghi với cuộc sống mới thì không có gì trở ngại như những lo lắng trước khi sống cuộc sống xa nhà”. Mai kể thêm, mọi chi phí ăn ở, đồ dùng cá nhân nhà chủ đã lo nên lương 9 triệu đồng/tháng được Mai dành dụm gửi hết về cho gia đình. “Sau 1 năm, em vừa gửi 100 triệu đồng về cho cha mẹ xây lại nhà. Làm ở quê nhà, em không thể kiếm được chừng đó tiền chỉ trong một năm”, Mai bộc bạch.   

Cũng như Mai, chị Hoàng Thị Hằng (thị trấn Phong Điền) đã sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc 7 tháng nay. Ở quê nhà, cuộc sống vất vả, thu nhập của vợ chồng chị không đủ trang trải nuôi 3 con đang tuổi ăn học nên vợ chồng chị cứ lục đục mãi. Chị Hằng tâm sự: “Đi xuất khẩu lao động là cứu cánh để gia đình tôi có thể thoát cuộc sống nghèo khó. Bà chủ rất tốt, lo cho chúng tôi từ bữa ăn chỗ ngủ, tôi thật may mắn khi sang đây. Đi xa cũng nhớ nhà lắm nhưng vợ chồng, con cái tự động viên nhau 2 năm qua nhanh thôi. Nhờ facebook, chúng tôi vẫn trò chuyện với nhau hàng ngày, xua đi nỗi nhớ”. Chị Hằng kể thêm, phong tục ở xứ người cũng khác nhưng nhờ được tập huấn trước ở Việt Nam nên chị không quá bỡ ngỡ và thích nghi nhanh.

Đi xuất khẩu lao động miễn phí

Từ chương trình ký kết giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam với Vương quốc Ả Rập Xê Út, từ tháng 4/2014, Công ty CP Xây dựng, cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân (TP. Thanh Hóa) tuyển lao động nữ giúp việc gia đình đi làm việc ở Ả Rập Xê Út trong 2 năm. Điều đặc biệt là chương trình xuất khẩu lao động này được miễn phí hoàn toàn. Tất cả các khoản chi phí xuất cảnh, vé máy bay đi và về, chi phí ăn ở, sinh hoạt đều được chủ sử dụng lao động chi trả. Sau khi xuất cảnh 1 tuần, người lao động còn được phía nhà chủ hỗ trợ thêm 10 triệu đồng. Với mức lương 9 triệu đồng/tháng, sau 2 năm, người lao động có thể tiết kiệm được khoảng trên 200 triệu đồng. Nếu sau 2 năm, người lao động tiếp tục đăng ký làm việc thì mức lương tăng lên 10,5 triệu đồng/tháng.

Chị Phạm Thị Bôn, cán bộ đại diện của Công ty Thiên Ân tại Thừa Thiên Huế, cho hay: “Trước khi sang Ả Rập Xê Út làm việc, người lao động được công ty tổ chức dạy tiếng Ả Rập 1,5 tháng (là tiếng bồi, người không biết chữ vẫn có thể học được). Họ còn được trang bị các kiến thức về phong tục tập quán, ứng xử, đào tạo cách làm việc nhà, như: sử dụng máy móc, đồ dùng, cách ủi quần áo, lau nhà, trông trẻ... để chị em khỏi bỡ ngỡ khi sang xứ người. Tham gia giảng dạy là những người đã từng đi giúp việc ở Ả Rập Xê Út trong thời gian 3 - 4 năm.

Tại Thừa Thiên Huế, chương trình này mới được Công ty Thiên Ân triển khai từ tháng 3/2017 và đã đưa 8 lao động ở Phong Điền, Hương Trà, TP. Huế sang Ả Rập Xê Út làm việc. Bản thân chị Phạm Thị Bôn, cũng là một lao động từng đi giúp việc ở Ả Rập Xê Út 3 năm, cho biết: “Lúc tôi đi là năm 2008, chưa có chương trình này nên tốn 16,5 triệu đồng tiền phí. Bây giờ có chương trình miễn phí là cơ hội để người lao động nghèo có thể nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trước khi người lao động ký hợp đồng, chúng tôi đều tìm hiểu họ thích làm việc gì để sắp xếp theo nhu cầu. Công ty Thiên Ân đã đưa cả ngàn lao động Việt Nam sang giúp việc ở Ả Rập Xê Út theo chương trình này”.

Với công việc này, tiêu chuẩn tuyển chọn lao động khá đơn giản. Ngoài sức khỏe tốt, chỉ cần người lao động nhanh nhẹn, chịu khó, sạch sẽ và thật thà. Công ty Thiên Ân có văn phòng đại diện ở Ả Rập Xê Út nên nếu lao động cần giúp đỡ sẽ có cán bộ của công ty hỗ trợ. Sau khi thử việc 3 tháng, nếu lao động nào không thích hợp công việc, công ty sẽ hỗ trợ cho người lao động đổi chủ.

Chị Bôn cho biết thêm, Công ty Thiên Ân đang mở rộng thị trường tuyển lao động ở A Lưới. Hiện nay, có hai lao động đang được đào tạo, trong đó chị Hồ Thị Lôi sắp sang làm việc ở Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, việc khai thác thị trường ở A Lưới gặp khó khăn do bà con còn nghi ngại. “Chúng tôi khẳng định, đây là chương trình được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định hẳn hoi, người lao động có thể yên tâm làm việc. Các lao động ở Thừa Thiên Huế đi bên đó thường xuyên liên lạc với tôi, họ rất hài lòng”, chị Bôn khẳng định.

Minh Hiền