Dư luận cũng rất hoang mang không hiểu vì đâu mà người lớn, các bậc làm cha làm mẹ, bảo mẫu lại có cách cư xử tàn bạo như vậy đối với trẻ em.

Thật đau lòng khi chứng kiến một bé gái mới 7 tuổi bị sắt nóng nung vào mặt, vào người, đến trường vẫn im lặng chịu đựng cho đến khi cô giáo phát hiện bé có biểu hiện bất thường, phát sốt, trình báo ngành chức năng. Rồi hình ảnh các cháu mầm non bị bảo mẫu đánh liên tục vào đầu, vào cơ thể bằng tay, bằng chai nhựa, bằng dép… bị video quay lại.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu, nạn bạo hành trẻ em mới xảy ra mà đã lặp đi lặp lại từ lâu; đặc biệt tại một số trường mầm non tư thục. Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh, chi hội mới ra đời khoảng 3 năm nay nhưng đã tiếp nhận hàng trăm vụ trẻ em bị bạo hành, xâm hại, trong đó có nhiều vụ rất đau lòng, nhất là bạo hành trẻ mầm non, trong khi biện pháp xử lý lại không thỏa đáng. Và, tệ nạn này không chỉ xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh mà đang nổi cộm ở nhiều tỉnh, thành khác. Ngay tại Thừa Thiên Huế cũng đã xảy ra trường hợp phụ huynh tố cô giáo mầm non đánh trẻ tím mặt, xảy ra hồi tháng tư năm ngoái…

Chúng ta đã có Luật Trẻ em, được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016; trước đã có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng được thành lập khắp các tỉnh, thành. Thế tại sao những vụ việc đau lòng vẫn cứ xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến nỗi đau thân xác của con trẻ mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý trong quá trình phát triển nhân cách của các cháu. Theo các chuyên gia tâm lý, trong môi trường như thế, các cháu dễ bị rơi vào tự ti, trầm cảm hoặc cũng có thể trở thành vô cảm, hung bạo sau này; do bị tiêm nhiễm cách đối xử mất hết tình người trong thời gian đầu đời.

Trong thực tế, đã có nhiều vụ án hành hạ, bạo hành trẻ em được đưa ra xét xử, như vụ án xảy ra tại nhà trẻ tư nhân Phương Anh, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) từng gây bức xúc dư luận vào cuối năm 2013. Các bị can Lê Thị Đông Phương và bị can Nguyễn Lê Thiên Lý đã nhận mức án nghiêm khắc của pháp luật, với mỗi bị can 3 năm tù… Vậy nhưng, tính cảnh báo răn đe vẫn chưa có hiệu quả.

Trước những vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có ý kiến đề nghị Ủy ban Quốc gia về trẻ em và các bộ, ngành liên quan; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em. Có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần...

Trong các giải pháp bảo vệ trẻ em, có lẽ giải pháp nâng cao về đạo đức, lương tâm của người chăm sóc trẻ em là hết sức quan trọng. Bởi, nạn bạo hành trẻ em không chỉ bằng hành động mà còn ở thái độ, cử chỉ. Trẻ em rất cần sự cảm thông, chia sẻ của người lớn để hoàn thiện nhân cách. Đây là vấn đề cần được tính đến, nhất là trong việc cấp phép mở trường mầm non cũng như việc tuyển dụng giáo viên sau này.

Đặng Thành