Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ảnh: Vivian Balakrishnan

Hội nhập

Theo ông Heng, việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong khu vực là “một phần rất quan trọng”. Trong đó, việc tìm thêm nhiều phương thức để các quốc gia thành viên hợp tác và bổ trợ cho nhau trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ là một phần lớn trong chương trình nghị sự.

"Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hướng đến sự hội nhập bằng một cách lớn hơn, trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và nhắm tới những điều mới mà chúng ta cần phải làm với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), thương mại điện tử, đổi mới và công nghệ; phạm vi hợp tác sẽ khá khác biệt và chúng ta cần thúc đẩy các cuộc thảo luận", Bộ trưởng Tài chính Singapore nói thêm.

Singapore cũng sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu, đồng thời cố gắng "đạt được sự đồng thuận càng nhiều càng tốt" giữa các quốc gia thành viên. Được biết, thỏa thuận thương mại 16 quốc gia này cũng bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Ông Heng cho rằng, ASEAN có thể làm việc với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, cả Trung Quốc và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của nước này.

BRI là một chiến lược phát triển khổng lồ của Trung Quốc nhằm mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến thương mại đường biển và đường bộ, kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi.

Trước đó, ông Heng đã nhắc đến chuyến thăm Trung Quốc gần đây của ông, nơi ông thảo luận về BRI với các nhà lãnh đạo Trung Quốc; và cho rằng, người Trung Quốc xác định được một vấn đề rất quan trọng về khu vực và nền kinh tế thế giới, trong đó hàng trăm triệu người hiện vẫn đang ở trong các nền kinh tế mới nổi, vốn chưa được hưởng lợi đầy đủ từ cuộc cách mạng công nghiệp. Chẳng hạn, một số quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng giao thông sẽ khiến chi phí logistics (vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng) gia tăng.

Một đặc điểm thú vị của BRI là cơ sở hạ tầng cơ bản sẽ phải được xây dựng ở nhiều nền kinh tế mới nổi dọc theo các tuyến đường thương mại này, để họ có thể hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ mang lại một số ảnh hưởng đến các quốc gia nằm trong BRI, bao gồm cả Singapore, ông Heng nói thêm.

Kết nối

Trong một động thái liên quan cùng ngày 5/12, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhận định, là Chủ tịch ASEAN năm 2018, Singapore muốn kết nối người dân và các nền kinh tế ASEAN trong một mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN; đồng thời, Singapore cũng muốn tăng cường an ninh không gian mạng.

Phát biểu trước khoảng 200 lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà ngoại giao và các học giả, ông Vivian nhấn mạnh: "Chúng ta cần nhanh chóng đẩy mạnh an ninh không gian mạng, bởi vì chúng ta không thể có được một thế giới thông minh hơn, cũng như các giao dịch kỹ thuật số liền mạch hơn, nếu chúng ta không có an ninh mạng”.

Ngoài ra, Singapore sẽ tập trung tăng cường khả năng phục hồi và khả năng đổi mới của ASEAN, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đối phó với những thách thức vượt qua ranh giới quốc gia, Ngoại trưởng Singapore lưu ý thêm.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ Straitstimes, Worldnews & CNA)