Sinh viên Trường ĐH Nông thực tập tại một mô hình làm nông nghiệp của Nhật Bản (Ảnh: ĐHNL)

Hướng đi mới nhiều triển vọng

Đến Trường ĐH Nông lâm đúng lúc sinh viên gửi báo cáo kèm hình ảnh làm việc ở Nhật Bản về. Trong mail, Đoàn Kim Hường, sinh viên năm thứ tư ngành công nghệ thực phẩm, viết: “Cơ sở thiết bị công nghệ ở đây hiện đại. Nhà máy có phòng nghỉ, máy massage cho nhân viên. Tụi em được trải nghiệm tất cả công đoạn làm bánh kẹo ở nhà máy và được trả lương đàng hoàng. Họ cấp cho tụi em bảo hiểm y tế, khám sức khỏe theo chế độ; bố trí chỗ ở ký túc xá cách nơi làm việc 2,5km, phòng rộng, đầy đủ tiện nghi và cho mỗi người một xe đạp để chủ động đi lại; khi thời tiết xấu thì đưa ô tô đến đón”. Đó là báo cáo thường kỳ của sinh viên thực tập ở nước ngoài gửi về.

Ông Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, năm học này, nhà trường triển khai chương trình sinh viên đi thực tập tại nước ngoài, khởi đầu là Nhật Bản và Israel. Chương trình sinh viên thực tập tại Nhật Bản có 11 sinh viên, triển khai phỏng vấn, làm thủ tục và đào tạo tiếng Nhật từ tháng 3/2017; xuất cảnh sang Nhật tháng 9/2017. Chương trình dựa trên mối quan hệ hợp tác ba bên là nhà trường, doanh nghiệp Nhật Bản và công ty làm hồ sơ thủ tục có văn phòng tại Việt Nam và Nhật Bản. “Khi sinh viên sang Nhật thực tập, nhà trường quản lý gián tiếp qua các báo cáo sinh viên gửi về và thường xuyên trao đổi qua điện thoại, mạng xã hội, mail. Cán bộ văn phòng công ty ở Nhật cũng tham gia quản lý, khi có vấn đề phát sinh thì trực tiếp hỗ trợ sinh viên. Trước khi triển khai, nhà trường kiểm soát hồ sơ pháp lý của công ty; soạn thảo hiệp định 3 bên để đảm bảo quyền lợi sinh viên. Sau khi thực tập một năm tại doanh nghiệp Nhật Bản, nhà trường công nhận kết quả thực tập của sinh viên”, ông May nói.

Sinh viên Trường ĐH Nông lâm thực tập tại nhà máy chế biến bánh kẹo của Nhật Bản (Ảnh: ĐHNL)

Chương trình thứ hai là thực tập sinh ở Israel, triển khai từ tháng 2/2017 và đến tháng 8/2017 thì xuất cảnh. Chương trình dựa trên hợp tác đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Israel giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nhà nước Israel. Điểm khác lớn nhất của chương trình này là ngoài trải nghiệm công việc ở doanh nghiệp, sinh viên còn được đưa đến học lý thuyết về nền nông nghiệp công nghệ cao tại các trường học, viện, trung tâm nghiên cứu. “Hiện có 54 sinh viên của nhiều ngành: nông học, cơ khí, công nghệ thực phẩm, chăn nuôi thú y… theo học chương trình này. Hầu hết đều phản hồi tốt. Cũng như Nhật Bản, thu nhập bình quân của sinh viên khi vừa học vừa làm ở Israel có thể đạt từ 150 - 200 triệu/năm”, ông May nói.

TS. Nguyễn Văn Huế, Phó Trưởng khoa Cơ khí – Công nghệ, Trường ĐH Nông lâm cho rằng, hai điểm lợi rõ nhất có thể thấy được là sinh viên được trải nghiệm tốt môi trường làm việc và công nghệ hiện đại ở nước ngoài, phát triển được chuyên môn ngành học. Thứ hai, dù thực tập nhưng có thu nhập tương đối tốt. Điều này mở ra nhiều triển vọng về đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và cơ hội việc làm sinh viên sau khi ra trường.

Theo ông May, từ khi triển khai, một số đơn vị đào tạo trong nước liên hệ, tìm hiểu thông tin về chương trình và đánh giá cao hướng đi này. Họ cho rằng, đây là cơ hội để đào tạo sinh viên hội nhập quốc tế và mở rộng thị trường lao động vì nếu sinh viên nắm bắt tốt cơ hội, thể hiện được năng lực, doanh nghiệp sẵn sàng nhận vào làm chính thức.

Nghiên cứu để nhân rộng

Đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập là giải pháp tốt và quan điểm nhà trường là sẽ nhân rộng. Khó khăn nhất là kinh phí và hạn chế về ngoại ngữ từ phía sinh viên.

Để theo học chương trình này, sinh viên phải tốn kinh phí làm visa, chi phí vé máy bay, học ngoại ngữ… trong đó, chương trình sinh viên thực tập ở Nhật Bản khoảng 50 triệu đồng/năm/sinh viên; chương trình thực tập sinh ở Israel khoảng 30 triệu đồng/năm/sinh viên. Ông May cho biết: “Kinh phí khác nhau tùy thuộc vào các dịch vụ mà công ty đáp ứng. Sinh viên đóng kinh phí cho phía công ty, nhà trường kiểm tra các khoản kinh phí đã đúng luật chưa. Thực tế, dù cơ hội học tập này rất tốt và thu nhập trong quá trình thực tập ở nước ngoài khá cao nhưng với nhiều trường hợp, bỏ ra vài chục triệu ban đầu cũng khó khăn”. Trong khi đó, ông Lê Ngọc Tình, Giám đốc kế hoạch tuyển sinh Công ty TNHH Đầu tư Hợp tác Quốc tế Daystar (phụ trách làm thủ tục cho sinh viên đi thực tập Nhật Bản) cho rằng, trong khoản kinh phí 50 triệu đồng, phí dịch vụ là rất thấp nên khó để có mức phí rẻ hơn.

Một điểm nữa là sinh viên chưa chủ động tiếp cận ngoại ngữ. Trước khi xuất cảnh, sinh viên được đào tạo 6 tháng ngoại ngữ, nhưng cũng chỉ nắm được ngoại ngữ giao tiếp cơ bản, trong khi để tiếp cận kiến thức và giao tiếp tốt ở môi trường công việc nước bạn, cần có vốn ngoại ngữ thành thạo, kể cả ngoại ngữ chuyên ngành.

Để giải quyết khó khăn, nhà trường đang nghiên cứu nhiều giải pháp. Đầu tiên là tìm kiếm đối tác có khả năng hỗ trợ một phần chi phí cho sinh viên, đơn cử như đã ký kết ban đầu với các doanh nghiệp Đan Mạch đưa sinh viên tiếp cận công việc sản xuất, chăn nuôi thú y tại đất nước này nhưng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ một phần kinh phí làm visa. Hiện, đã có hơn 50 sinh viên đăng ký và sẽ triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, nhà trường đang tìm hiểu các đối tác từ Úc.

Nhà trường cũng trao đổi với sinh viên hiểu rõ hơn về thông tin cụ thể các chương trình sinh viên đi thực tập ở nước ngoài. “Thực tế, vẫn có trường hợp đáp ứng được điều kiện kinh phí đi thực tập nước ngoài nhưng còn lo ngại mất nhiều hơn được nên chưa dám đăng ký”, ông May nói. Riêng về khó khăn ngoại ngữ, nhà trường đã phối hợp Trung tâm bồi dưỡng ngoại ngữ (thuộc trường) mở ra các chương trình giúp sinh viên tăng cường học các thứ tiếng cần thiết. Nhà trường cũng vận động sinh viên sớm chủ động học ngoại ngữ từ năm học đầu tiên.

Ngoài trách nhiệm nhà trường, các khoa cũng chủ động đưa ra giải pháp. Ông Huế cho biết, sắp tới khoa sẽ chủ động tìm thêm đối tác và chia sẻ thông tin các chương trình sinh viên thực tập ở nước ngoài sớm để sinh viên biết những điều kiện cần thiết nhằm chuẩn bị sớm về mọi mặt.

Hữu Phúc