Từ nhà tôi đến trường chỉ chừng 300m, ngồi ở nhà có thể nghe tiếng kẻng rồi sau này là tiếng trống đánh báo đi học. Hồi đó, chẳng ai đi xe đạp đến trường cả, tất cả học sinh đều cuốc bộ, dù có đứa nhà xa trường đến 2 cây số. Nhà tôi gần, nên có những ngày bất chợt mưa giông, rứa là cởi luôn quần áo chỉ còn lại chiếc quần đùi chạy ù về nhà.

Ký ức những năm học cấp 1 của tôi bây giờ chỉ còn lơ mơ, như cái chuyện cô giáo chủ nhiệm thường đặc cách cho tôi chạy lên văn phòng của trường để coi đồng hồ cứ đúng 3 giờ rưỡi chiều là đánh trống ra chơi. Có lần không biết răng coi trật đồng hồ mới có 2 rưỡi thôi mà tưởng 3 rưỡi rồi nên đánh trống ra chơi luôn. Cô giáo chủ nhiệm của tôi bị thầy hiệu trưởng quở trách còn tôi thì mất “quyền” đi coi giờ và đánh trống ra chơi từ đó.

Rồi chuyện làm “kế hoạch nhỏ” bằng cách đi lượm mảnh chai. Cứ những buổi nghỉ học là mấy thằng đi khắp bụi bờ trong làng lượm mảnh chai. Rứa mà mỗi đứa cũng được 5-7 cân mảnh chai để nộp. Rồi những lần sinh hoạt đội vào chiều thứ 5, khổ nhất là chuyện xoay vòng tròn con trai con gái chẳng chịu nắm tay nhau vì ốt dột. Cách giải quyết là chọn đứa mô trai gái có họ hàng với nhau để nắm khi nớ mới xoay được cái vòng tròn. Mà hồi cấp 1 đi học hấp dẫn nhất là đến cuối tháng cô giáo chủ nhiệm đọc vị thứ. Đứng thứ nhứt tháng ni mà tháng sau xuống thứ nhì thì buồn lắm; rồi có khi lớp tôi có đến 5 đứa đồng điểm đứng thứ nhứt luôn.

Hồi đó đời sống giáo viên còn khổ lắm. Thầy cô ở những phòng tập thể nhỏ lợp bằng tôn xi măng, vách thì bằng giấy dầu. Trường được hợp tác xã phân mấy sào ruộng ngay cạnh trường để cô thầy tăng gia. Nhớ một lần coi mấy cô thầy cắt lúa; có cô giáo bị đỉa đeo chân la vang trời vang đất chạy tới một thầy giáo nhờ giải cứu. Một thằng bạn của tôi ở xóm chợ ranh mãnh nói: “Tau nhìn biết là cô không sợ đỉa mô, cô làm bộ để được thầy chăm sóc thôi!”. Rồi hắn giải thích là đã sợ thì chỉ đứng một chỗ thôi chộ chi nữa mà chạy. Tình yêu của cô thầy hồi đó đôi khi chỉ bắt đầu đơn giản là vậy!

Rồi những buổi sáng chào cờ đầu tuần. Khi toàn trường hát Quốc ca, có mấy bác nông dân vác cuốc ra thăm ruộng hay những mệ, những o đi chợ buổi sáng ngang qua cổng trường cũng đều đứng lại nghiêm trang chào cờ.

Phi Tân